"Không tái cơ cấu, nhóm hàng nông lâm thủy sản sẽ còn nhiều bất lợi"

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, những sản phẩm có lợi thế của Việt Nam như nông lâm, thủy sản, nếu không phát huy được thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh thì còn nhiều bất lợi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Sau 11 tháng Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 148 tỷ USD và nhập khẩu xấp xỉ 152,5 tỷ USD. Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tình hình nhập siêu đã được kiểm soát tốt.​

Cụ thể, trong quý 1, nhập siêu ở mức 2,6 tỷ USD, sang quý 2 giảm xuống còn 1 tỷ USD, quý 3 ở mức 218 triệu USD và đến hết hết tháng 11/2015, nhập siêu khoảng 2,87 tỷ USD, tương đương 1,9% kim ngạch xuất khẩu.

"Đây là một con số khá thấp so với mức Quốc hội cho phép là 5%, như vậy có thể nói chúng ta đã làm tốt công tác dự báo, điều hành chặt chẽ và kiểm soát tốt mức nhập siêu," Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại cuộc Tọa đàm về xuất nhập khẩu do Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (21/12), Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã có một số chia sẻ với báo chí về hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2015.

- Thưa thứ trưởng, nhìn vào biểu đồ xuất khẩu cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của chúng ta vẫn chủ yếu đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong khi nhóm hàng nông lâm sản lại sụt giảm mạnh. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong năm vừa qua, các ngành hàng trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đều rất cố gắng giữ vững sản lượng và duy trì được xuất khẩu.

Tuy nhiên, do thị trường ​còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm này.

Bên cạnh đó, nguồn cung của các nước xuất khẩu nhóm hàng này cũng dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan, Ấn Độ...

Không những thế, nhiều nước đã duy trì chính sách đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu và xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông, lâm thủy sản của các nước gia tăng đã gây ra nhiều tác động bất lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Từ những yếu tố trên cho thấy, việc cạnh tranh trên thị trường, nhất là những sản phẩm có lợi thế của Việt Nam cũng đặt ra một vấn đề rất nghiêm túc đó là tái cơ cấu. Nếu không phát huy được thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh thì ​còn nhiều bất lợi.

Do vậy, trong những năm tới, các doanh nghiệp cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa vào công nghệ chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao thay vì chỉ chạy theo số lượng.

Chúng ta đã có một số mô hình làm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao như Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời, Lam Sơn... nhưng cần phải nhân rộng hơn nữa các mô hình này thì sản xuất và xuất khẩu nông sản của chúng ta mới bền vững.


- Việt Nam vừa tham gia ký kết thành công một loạt các hiệp định thương mại tự do FTA và TPP, sắp tới là cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), vậy theo thứ trưởng, việc nhập siêu sẽ có tác động như thế nào?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Là một nền kinh tế đang phát triến, hướng đến xuất khẩu, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa quan trọng và được coi là xu thế tất yếu.

Trong quá trình hội nhập, song song với những lợi ích về mở cửa thị trường và ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam cũng cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình đối với hàng hóa nhập khẩu và các biện pháp quản lý nhập khẩu mang tính định lượng cũng phải xóa bỏ, thay vào đó là việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các biện pháp quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Một trong những biện pháp căn cơ, hữu hiệu để kiềm chế nhập siêu một cách bền vững chính là thúc đẩy xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, khơi thông thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, qua đó góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Trong năm 2015, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết WTO, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng và sử dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế nhập khẩu hàng hóa kém phẩm chất, góp phần kiểm soát nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến từ các thị trường công nghệ nguồn, phục vụ các ngành sản xuất, hướng về xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao đổi với báo giới. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn 2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, vậy để đạt được mục tiêu này sẽ cần phải có những chính sách gì thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2016 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, khả năng nền kinh tế thế giới phục hồi chậm và cạnh tranh thì ngày càng gay gắt hơn. Cùng với đó, thị trường tiền tệ, giá dầu giảm cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thuận lợi, cụ thể là việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu.

Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 được Quốc hội thông qua, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu.

Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu.

Đồng thời Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do mang lại, cũng như đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát thị trường hỗ trợ xuất khẩu.

Với những giải pháp nêu trên, ​tôi tin tưởng ​có thể hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra.

- Xin cảm ơn thứ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục