Không rước đuốc trên đường phố Tokyo vì dịch bệnh COVID-19

Để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, hoạt động chạy rước đuốc trên các tuyến đường của thủ đô Tokyo đã bị hủy, trừ khu vực quần đảo Tokyo.
Không rước đuốc trên đường phố Tokyo vì dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Các vận động viên tham gia lễ rước đuốc Olympic Tokyo 2020, tại Naraha, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 25/3/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thông tin từ Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo ngày 8/7 cho biết, lễ rước đuốc trên đường phố tại điểm cuối cùng, cũng là thành phố đăng cai sự kiện này sẽ không được thực hiện do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dự kiến lễ rước đuốc Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 9/7 và kết thúc vào ngày 15/7, với sự tham gia của các vận động viên, cá nhân tiêu biểu của thành phố.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, hoạt động chạy rước đuốc trên các tuyến đường của thủ đô Tokyo đã bị hủy, trừ khu vực quần đảo Tokyo.

Thay vào đó, các buổi lễ châm đuốc (truyền lửa) sẽ được tổ chức, nhưng thành phần và số lượng người trực tiếp chứng kiến cũng được giảm tối đa.

Như vậy, sáng ngày 9/7, lễ châm đuốc sẽ được tổ chức tại quận Setagaya để công bố ngọn đuốc Olympic đã đến với thủ đô Tokyo. Chiều cùng ngày, lễ châm đuốc tiếp tục được tổ chức tại thành phố Machida.

Trước đó, ngọn đuốc Olympic Tokyo đã hoàn thành lộ trình đi vòng quanh nước Nhật, bắt đầu từ ngày 25/3 với địa điểm khởi hành là tỉnh Fukushima, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa động đất, sóng thần cách đây 10 năm và được xem như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết cũng như nỗ lực phục hồi của đất nước Nhật Bản.

[Olympic Tokyo 2020: Các nhà tài trợ thu hẹp kế hoạch quảng bá sản phẩm]

Mặc dù đã đi qua 46 tỉnh trong vòng 106 ngày, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có tới 24 tỉnh không tổ chức hoặc rút ngắn thời gian chạy rước đuốc trên đường phố.

Một số tỉnh như Osaka, Hokkaido, nơi bùng phát dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, đã hủy hoàn toàn chương trình chạy rước đuốc trên đường phố và chỉ tổ chức lễ châm đuốc mang tính biểu tượng.

Áp đặt tình trạng khẩn cấp tại Tokyo sẽ giúp đảm bảo một kỳ Olympic an toàn

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 đối với thủ đô Tokyo ngày 8/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide giải thích rằng đây là giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và đảm bảo một kỳ Olympic diễn ra an toàn và thành công.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại cuộc họp báo tối ngày 8/7, Thủ tướng Suga khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ chủ động áp dụng các biện pháp hiệu quả ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh từ thủ đô Tokyo ra toàn quốc.

Ông nhấn mạnh ý nghĩa của Thế vận hội Olympic và Paralympic với thông điệp rằng loài người bằng nỗ lực và trí tuệ của mình sẽ vượt qua bất kỳ khó khăn, thử thách nào.

Ông cho biết mong muốn của chính phủ là hiện thực hóa một giải đấu mang tính lịch sử, từ đó nuôi dưỡng ước mơ và niềm hi vọng cho thế hệ trẻ Nhật Bản.

Thủ tướng Suga cũng lấy làm tiếc khi buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo chỉ 3 tuần sau khi dỡ bỏ, nhưng ông tin rằng quyết định này sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất để kiềm chế dịch lây lan trong thời gian diễn ra Thế vận hội là hạn chế tối đa dòng người di chuyển, nhất là tại Tokyo và ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 từ bên ngoài.

Về chiến dịch tiêm vaccine, Thủ tướng Suga dẫn chứng các nước có tỷ lệ người tiêm ít nhất 1 mũi đạt trên 40% dân số có xu hướng giảm các ca mắc mới.

Với tốc độ hiện tại, dự kiến Nhật Bản sẽ hoàn toàn việc tiêm mũi thứ hai cho người cao tuổi và đạt tỷ lệ 40% người tiêm ít nhất 1 mũi vaccine vào cuối tháng này.

Hiệu quả của vaccine và tỷ lệ sử dụng giường tại các nơi tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ là cơ sở để chính phủ đưa ra quyết định tiếp theo liên quan đến dỡ bỏ hoặc kéo dài tình trạng khẩn cấp.

Trước đó ít giờ, Thủ tướng Suga đã tuyên bố từ ngày 12/7, sẽ áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo, kéo dài tình trạng khẩn cấp đối với Okinawa, và tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 3 tỉnh giáp Tokyo, gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, cùng với tỉnh Osaka ở phía Tây đến ngày 22/8.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ được dỡ bỏ tại 5 tỉnh khác, gồm Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka, theo đúng kế hoạch vào ngày 11/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục