Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 4/9, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21), đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như Luật hiện hành.
Bởi, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy, chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Về điều kiện đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (khoản 2 Điều 28), Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết hiện còn 2 loại ý kiến.
[Đề xuất tích hợp bảy loại giấy phép môi trường thành một]
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định có tính kế thừa Luật hiện hành là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản, nhưng có bổ sung ngoại lệ đối với người đăng ký tạm trú có quan hệ nhân thân. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan Nhà nước.
Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó. Do đó, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và trật tự quản lý nhà nước về cư trú.
Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị bổ sung quy định cấm các hành vi lợi dụng việc đăng ký cư trú để trốn nghĩa vụ quân sự. Trong thực tiễn đã có nhiều trường hợp đăng ký cư trú trên địa bàn mà người đăng ký cư trú không sinh sống tại đó hoặc sinh sống, cư trú tại một địa điểm nhưng không đăng ký cư trú tại địa điểm đó để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, gây khó khăn cho công tác quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Mặt khác, quy định như vậy nhằm thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì khi đồng ý cho thuê, đã có văn bản hợp đồng thì đương nhiên chấp nhận cho người tạm trú thường xuyên ở chỗ đó. Đại biểu cũng tán thành việc không quy định về thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú. Theo đại biểu, thực tế hiện nay, dù có quy định hạn chế cho đăng ký thường trú vào các thành phố lớn nhưng qua khảo sát tại một số thành phố, số lượng người dân đến tạm trú rất lớn.
Có người ở đến 5-7 năm nhưng không có hộ khẩu, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ cần quy định công dân có điều kiện về chỗ ở hợp pháp thì có quyền đăng ký thường trú tại những nơi mà mình muốn để thuận tiện cho cuộc sống của người dân.
Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021 như cam kết của Chính phủ và Bộ Công an. Tuy nhiên, do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, cập nhật dữ liệu và hoàn thiện trước khi có thể vận hành một cách suôn sẻ trên thực tế, nên trong quá trình này, nếu phát sinh các vấn đề mới có thể dẫn đến việc không thể kịp hoàn thành theo thời gian nói trên. Do đó, Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.
Liên quan đến đề nghị cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân sau khi Luật này đã có hiệu lực thi hành, nhiều ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Các đại biểu cho rằng trong giai đoạn đầu, khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước (ví dụ như đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông…), người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.
Nhằm tránh phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành, việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp trước đây là một giải pháp phù hợp, khả thi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và người dân.
Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú./.