Không quân Nga sẽ chấm dứt không kích các nhóm đối lập tại Syria

Lực lượng Không quân Nga sẽ chấm dứt không kích "các nhóm đối lập vũ trang" tại Syria được các bên tham gia lệnh ngừng bắn công nhận và gửi cho phía Nga hoặc Mỹ.
Không quân Nga sẽ chấm dứt không kích các nhóm đối lập tại Syria ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lực lượng Không quân Nga sẽ chấm dứt không kích "các nhóm đối lập vũ trang" tại Syria được các bên tham gia lệnh ngừng bắn công nhận và gửi cho phía Nga hoặc Mỹ.

Đó là một trong những nội dung của phụ lục Tuyên bố chung về lệnh ngừng các hoạt động quân sự tại Syria giữa Nga và Mỹ với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria, được đăng tải trên trang web của Điện Kremli ngày 22/2.

Theo hãng tin Nga ITAR-TASS, mục này cũng quy định máy bay của Không quân Syria cũng phải ngừng không kích các nhóm này bằng tất cả các loại vũ khí.

Về phần mình, các nhóm đối lập có nghĩa vụ ngừng tấn công bằng mọi loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa, mìn và tên lửa chống tăng có dẫn đường, vào quân đội Syria và các lực lượng ủng hộ quân đội này.

Đây cũng là nội dung duy nhất trong năm điều kiện tham gia lệnh ngừng bắn tại Syria, trong đó cách gọi chính thức bên sẽ không bị không kích của Nga và Mỹ khác nhau. Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí về các điều kiện cho hai phe xung đột tại Syria - các nhóm vũ trang của lực lượng đối lập và tất cả các lực lượng ủng hộ một bên với quân đội Syria và các lực lượng ủng hộ quân đội ở bên kia.

Các điều kiện này bao gồm tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tiến trình chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc; ngừng xâm chiếm và âm mưu xâm chiếm lãnh thổ mà các bên khác đang nắm giữ; cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận nhanh, an toàn, không bị cản trở và thường xuyên các vùng do mình kiểm soát; chỉ sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ.

Phụ lục Tuyên bố chung Nga-Mỹ cũng nêu rõ tất cả các bên đều có thể tham gia lệnh ngừng bắn, trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận al-Nusra và các tổ chức khủng bố mà Liên hợp quốc xác nhận là khủng bố.

Ngay sau Tuyên bố này, các nước hàng đầu ủng hộ giải pháp hòa bình cho Syria như Nga, Anh, Pháp đã hoan nghênh lệnh ngừng hoạt động quân sự. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là bước đi thực tế để chấm dứt đổ máu tại đất nước Trung Đông. Ông đặc biệt đánh giá cao sáng kiến khởi động cơ chế triển khai và kiểm soát thực hiện lệnh ngừng bắn (từ phía chính quyền Syria cũng như từ phía các nhóm đối lập vũ trang), bao gồm mở đường dây điện thoại nóng và nếu cần thiết sẽ lập nhóm công tác về trao đổi thông tin.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận Nga-Mỹ về lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời khẳng định lệnh ngừng bắn chỉ có thể được thực hiện khi Chính quyền Syria và các bên ủng hộ, trong đó có Nga, thay đổi chính sách của mình.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault tuyên bố Chính phủ Pháp sẽ theo dõi sát sao lệnh ngừng bắn mà ông gọi là cần "thực hiện khẩn cấp."

Trong lúc này, phóng viên TTXVN tại Israel đưa tin, Tel Aviv nghi ngờ khả năng duy trì lệnh ngừng bắn mới tại Syria vì không bao gồm IS và Mặt trận al-Nusra, nhóm liên kết với al-Qaeda.

Về phần mình, phe đối lập Syria ra điều kiện chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, đó là phải dỡ bỏ bao vây, phóng thích tù nhân, ngừng ném bom dân thường và phân phát viện trợ nhân đạo.

Theo tuyên bố chung giữa Mỹ và Nga, thỏa thuận ngừng bắn tại Syria sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 27/2 (giờ địa phương) tới.

Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng đàm phán tối cao - cơ quan đại diện phe đối lập Syria ở nước ngoài - đã bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử với lý do "không thể bầu cử ở một nước đang có nội chiến." Trước đó, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã ra sắc lệnh về tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 13/4 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục