Không phát hiện trường hợp "găm hàng" xăng dầu tại TP.HCM

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết không phát hiện trường hợp "găm hàng" xăng, dầu trên địa bàn thành phố trong những ngày vừa qua; vẫn chỉ có 3 cửa hàng thông báo ngưng kinh doanh.
Không phát hiện trường hợp "găm hàng" xăng dầu tại TP.HCM ảnh 1Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh có lượng khách hàng tập trung đông và tràn ra cả lòng lề đường. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều ngày 12/10, tại họp báo định kỳ thông tin về hoạt động ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết không phát hiện trường hợp "găm hàng" xăng, dầu trên địa bàn thành phố trong những ngày vừa qua.

Đồng thời, số lượng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu gửi thông báo chính thức ngưng kinh doanh về Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ có 3 cửa hàng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê cập nhật mới nhất tới thời điểm hiện tại có thể thấy, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thành phố đã lần lượt nhập được hàng và phục hồi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.

Trước đó, trong 3 ngày (từ ngày 10-12/10), có giai đoạn đỉnh điểm số lượng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thành phố tạm đóng cửa do hạn chế nguồn cung lên đến 137 cửa hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cũng thông tin nhanh hoạt động chuỗi cửa hàng kinh doanh xăng, dầu của doanh nghiệp này đã tương đối trở lại bình thường. Hiện doanh nghiệp có số lượng cửa hàng và cửa hàng nhượng quyền thương hiệu chiếm khoảng 20% trong tổng số 550 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Số cửa hàng tạm hết xăng dầu vẫn tăng]

Trong hai ngày 10 và 11/10 vừa qua, lượng bán ra của chuỗi cửa hàng thuộc Petrolimex Sài Gòn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến hơn 200% so với ngày thường. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhanh chóng tăng cường nguồn cung ứng để kịp thời đáp ứng sức mua tăng cao và đảm bảo không đứt hàng cục bộ cho chuỗi cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây nhất, áp lực về sức mua có giảm, nhưng tính đến thời điểm này sức mua tại chuỗi cửa hàng thuộc Petrolimex Sài Gòn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất cao. Dự báo trong một và hai ngày tới sức mua sẽ hạ nhiệt, dù vậy doanh nghiệp sẽ không chủ quan và linh hoạt điều tiết nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cụ thể, Petrolimex Sài Gòn đã triển khai kế hoạch tăng nguồn cung nhằm góp phần chia sẻ áp lực thị trường và "gồng gánh" cho những cửa hàng xăng, dầu chưa trở lại hoạt động bình thường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tới. Đặc biệt, phát huy kết quả trong giai đoạn cao điểm về sức mua xăng, dầu tăng đột biến vừa qua, doanh nghiệp sẽ nỗ lực duy trì hoạt động xuyên suốt chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến thị trường xăng, dầu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay vẫn gặp khó khăn. Thị trường xăng, dầu trên địa bàn thành phố được cung ứng bởi nhiều đơn vị, doanh nghiệp nên trong hoạt động phân phối, bán lẻ có một số điểm nghẽn nhất định.

Với bối cảnh này, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp liên ngành và tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn, đảm bảo mặt hàng xăng, dầu phân phối, bán lẻ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Thống kê, mức tiêu thụ bình quân trên toàn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh dao động ở mức từ 6-7 triệu lít xăng, dầu/ngày.

Không phát hiện trường hợp "găm hàng" xăng dầu tại TP.HCM ảnh 2Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Saigon Petro trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM đã treo biển "hết xăng RON 95-III", chỉ bán dầu. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong khuôn khổ họp báo, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố nhiều chương trình trọng tâm sẽ triển khai trong quý 4 năm nay. Đây là những chương trình góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành công thương nói riêng và kinh tế thành phố nói chung trong cả năm 2022.

Cụ thể, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoạt động kích cầu mua sắm cuối năm gồm Chương trình Khuyến mại tập trung-Mùa mua sắm trên địa bàn thành phố năm 2022 (đợt 2) với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân;” Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2022; Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2022...

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các địa phương trong việc khảo sát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cuối năm 2022 và Tết Quý Mão năm 2023. Đồng thời, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022-Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng bám sát mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025. Trong số đó, ngành đảm bảo triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm (ngành cơ khí-tự động hóa; cao su-nhựa; chế biến lương thực-thực phẩm) giai đoạn 2022-2025.

Điển hình, có thể kể đến Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm trao đổi, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp về định hướng phát triển công nghiệp thành phố trong thời gian tới.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp có sản phẩm đạt Giải thưởng “Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh” trong những năm qua và tổ chức Giải thưởng “Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh” năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục