Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành luật giao thông và hạn chế tình trạng tai nạn đang ngày càng phức tạp, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc ra quân, thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn từ 1/8 đến 31/12.
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, đây là đợt ra quân nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.
Đối tượng xử lý là những lái xe môtô, ôtô con, ôtô chở khách, ôtô tải, xe vận tải container, xe ôtô kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc. Việc kiểm tra chủ yếu tập trung tại nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn và các khu vực phức tạp về an ninh trật tự, ma túy...
Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương sử dụng camera đã được trang bị để ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Bình, là một trong những đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt việc kiểm tra, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn.
Trung tá Phạm Văn Kiểm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Bình, cho hay đơn vị này đã thành lập bốn tổ công tác với gần 30 chiến sỹ, tỏa đi các hướng, chốt, cửa ngõ ra vào thành phố với tần suất 3 lần/tuần, vừa triển khai việc đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, vừa kết hợp kiểm tra hành vi vi phạm về ma túy.
Theo Trung tá Phạm Văn Kiểm, trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế nên tỷ lệ người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn còn cao, thậm chí có hành vi chống đối khi được yêu cầu kiểm tra. Có trường hợp bất ngờ bỏ chạy, hoặc khóa cửa xe bỏ đi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 100/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực vào đầu năm nay, với chế tài xử phạt nặng, cộng với sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát giao thông, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân trên địa bàn đã được nâng cao, tỷ lệ vi phạm ngày càng giảm.
[Tăng cường xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn từ nay đến cuối năm]
Trong sáu tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Thái Bình đã kiểm tra, xử lý 11.644 trường hợp vi phạm (trong đó có 480 trường hợp vi phạm nồng độ cồn), giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ghi nhận thực tế tại đường Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình tối 4/8 cho thấy, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã tạm dừng, kiểm tra hàng trăm ôtô để đo nồng độ cồn, tuy nhiên, chỉ phát hiện một trường hợp vi phạm ở mức 0,696 miligam/lít khí thở. Lái xe nghiêm chỉnh chấp hành ký vào biên bản và cho hay vừa ăn cỗ trên nhà bố mẹ vợ, đang trên đường đưa vợ con về.
Anh Nguyễn Hữu Thắng ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết từ ngày có Nghị định 100, anh không lái xe khi đã uống rượu, bia.
“Tôi bảo vợ đi học lái xe để những khi đi ăn uống, liên hoan có người lái thay, đảm bảo an toàn. Tôi cũng ủng hộ mức phạt cao vì như vậy mới đủ sức răn đe," anh Thắng cho hay.
Trung tá Phạm Văn Kiểm cho biết các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn vẫn đông khách nhưng người dân khi đã uống rượu bia thì không lái xe, chủ yếu đi taxi hoặc để người nhà cầm lái. Có được kết quả như vậy, một phần là do lực lượng cảnh sát giao thông đã kiên quyết xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ, thậm chí trong thời gian đang thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, cán bộ làm nhiệm vụ không nghe máy khi người vi phạm gọi điện thoại "cầu cứu" người quen.
Đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng chức năng
Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Cảnh sát Giao thông yêu cầu lực lượng chức năng không sử dụng phễu thổi để đo định tính kiểm tra nồng độ cồn mà dùng ống thổi một lần. Khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở sẽ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị, hướng dẫn và đề nghị người bị kiểm tra tuân thủ...
Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Bình Phạm Văn Kiểm cho biết nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ khi tham gia làm nhiệm vụ, lãnh đạo công an tỉnh yêu cầu tất cả cán bộ tuân thủ đầy đủ những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc phòng tránh dịch bệnh như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách an toàn...
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Thái Bình cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước rửa tay, nếu phát hiện chủ phương tiện không sử dụng khẩu trang sẽ tiến hành nhắc nhở, đồng thời phát khẩu trang miễn phí để đảm bảo an toàn.
Chia sẻ về phương pháp tuyên truyền, Trung tá Phạm Văn Kiểm cho hay bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh thường xuyên cử cán bộ đi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại các đơn vị trên địa bàn; phối hợp với các nhà hàng xây dựng mô hình đưa đón khách hàng; vận động doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết tuân thủ các quy định về an toàn giao thông trên các phương tiện; tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp trên địa bàn.../.