Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại. Trong đó, vấn đề đặt ra là việc xã hội hóa và quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại.
Bên lề kỳ họp, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng) đã trao đổi về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu Trần Ngọc Vinh, thành phố Hải Phòng đã thí điểm hoạt động Thừa phát lại chưa và ông có đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động này trong thời gian vừa qua?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Hải Phòng đã thực hiện hoạt động Thừa phát lại. Bước đầu, chúng tôi thấy các cơ quan này hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt ở những đơn vị Thừa phát lại mà người tham gia phần lớn là các đồng chí về hưu mà trước đó công tác tại các cơ quan như tư pháp, công an, viện kiểm soát, tòa án... vì họ có kinh nghiệm.
Còn ở những đơn vị mà nhân sự không có chuyên ngành thì kém hiệu quả hơn.
- Quan điểm của ông về Thừa phát lại như thế nào?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Tôi cho rằng hoạt động Thừa phát lại cần phải để cho các tổ chức xã hội thực hiện. Thứ nhất, những gì các tổ chức này đã làm tốt thì nhà nước không nên ôm. Thứ hai là giảm biên chế nhà nước và thứ ba là nhà nước không mất kinh phí trong lúc chi tiêu của nhà nước hiện rất lớn.
Tuy nhiên, về các chức năng nhiệm vụ của Thừa phát lại, theo tôi bước đầu là tống đạt các văn bản của tòa án, vi bằng, xác định điều kiện thi hành án… chứ không giao việc thi hành án cho Thừa phát lại.
Lý do là bởi các cơ quan thừa phát lại không đủ sức làm. Khi thi hành án ở mức độ cưỡng chế, phải huy động một máy công quyền của nhà nước như công an, các ngành các cấp. Đấy là chưa kể chuyện kinh phí thực hiện, nên có giao thì Thừa phát lại cũng không làm được mà chỉ nên để tổ chức này tham gia vào quá trình cưỡng chế.
Về xác minh điều kiện thi hành án, thực tế cho thấy hiện nay tòa án tuyên nhiều vụ án dân sự, song không thể thực hiện thi hành án được.
Tôi ví dụ như một gia đình có con trai bị nghiện, đến cả bát cũng bán đi, bố mẹ còn không có cơm ăn nhưng tòa vẫn tuyên bố con nghiện này vi phạm phải phạt thì quả thật việc này không thi hành án được. Bởi thế, việc này phải căn cứ vào thực tế.
Và quan điểm của tôi là nên mở rộng thừa phát lại trong phạm vi rộng lại và giao cho bộ phận này chức năng nhiệm vụ cụ thể.
- Hiện có hai luồng ý kiến về việc cứ tiếp tục thực hiện thí điểm mở rộng và ban hành Nghị quyết thực hiện chế định thừa phát lại. Theo ông, việc này nên làm thế nào?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Theo tôi vẫn phải ban hành Nghị quyết. Còn nếu chúng ta bỏ nghị quyết, cho hoạt động mở rộng thì chúng ta sẽ phải sửa lại chức năng nhiệm vụ, quy định nhiệm vụ của Thừa phát lại.
Bây giờ dùng thuật ngữ thí điểm mở rộng Thừa phát lại là không nên. Theo tôi, ở tỉnh, thành phố nào có điều kiện thì tiếp tục làm, tỉnh, thành phố nào không đủ điều kiện thì thôi.
- Một trong những vấn đề được quan tâm là phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại, ông có suy nghĩ gì về việc này?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Về thẩm quyền của Thừa phát lại, tôi cho đây là một bộ phận được nhà nước công nhận. Còn việc có thẩm quyền gì thì chỉ trong phạm vi bổ trợ tư pháp, chức năng nhiệm vụ làm gì thì phải quy định rõ ra.
Tuy nhiên, nếu xét thấy một số việc mà Thừa phát lại có thể làm được tốt hơn thì cần để cho tổ chức này làm.
Trước đây, cơ quan thi hành án dân sự được kỳ vọng làm tốt, nhưng thực tế hiện nay khi thi hành án dân sự hoạt động còn kém hiệu quả, một số vụ án không làm được mà chúng ta lại sinh ra một bộ máy công quyền lớn và đầy đủ chức năng như vậy. Đây là vấn đề cần xem và tính toán lại.
- Xin cảm ơn ông!
Tính đến hết ngày 30/9, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt 939.544 văn bản; lập và đăng ký được 42.911 vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án 885 vụ việc; tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc.