Không mạo hiểm đánh đổi tính mạng khi lựa chọn mưu sinh xứ người

Bên cạnh việc trấn áp tội phạm mua bán người và đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp, điều rất quan trọng là phải nâng cao nhận thức để tránh bị lôi kéo vào con đường chui lủi, đánh đổi mạng sống.
Cảnh sát di chuyển chiếc xe container chở 39 người nhập cư xấu số rời khỏi hiện trường. (Nguồn: Getty Images)

Tối 7/11, trong lời chia buồn gửi tới gia đình 39 người Việt thiệt mạng trên xe container ở Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: "Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng, chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội."

Cũng trong tối 7/11 Bộ Công an ra thông cáo báo chí cho biết sau một thời gian tích cực phối hợp, kiểm tra, so sánh đặc điểm nhận dạng cá nhân, đến 20 giờ 00 ngày 7/11/2019, Bộ Công an Việt Nam và cơ quan thực thi pháp luật của Vương quốc Anh xác định 39 nạn nhân thiệt mạng trong container, được phát hiện tại hạt Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh, vào ngày 23/10/2019 đều là người Việt Nam và có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế.

Bài toán kinh tế ở những vùng quê

Xã Đô Thành (huyện Yên Thành) là một trong những địa phương giàu có nhất của tỉnh Nghệ An. Những ngôi nhà cao tầng, biệt thự sang trọng mọc lên san sát nhau từ đầu làng đến cuối xóm.

Nhiều gia đình đã có ôtô đắt tiền, thu nhập cao, đời sống vật chất của người dân xã Đô Thành ngày càng được nâng lên phần lớn là nhờ xuất khẩu lao động.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đô Thành, cho biết trước đây xã Đô Thành cũng như các làng quê xung quanh, mức sống của người dân khó bật lên vì chỉ biết dựa vào cây lúa, củ khoai ở vùng đất cằn cỗi.

[Cộng đồng người Việt tại Anh tưởng niệm 39 nạn nhân tại Essex]

Nhưng 20 năm trở lại đây, tại địa phương có phong trào đi xuất khẩu lao động ở Nga, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Với số dân chưa đến 15.000 người, xã hiện có gần 1.500 người đang làm việc ở nhiều nước trên thế giới, một số gia đình có tới 2-3 thành viên cùng đi làm việc tại nước ngoài.

Một số xã ở các huyện khác của Nghệ An cũng trong hoàn cảnh tương tự, tuy tỷ lệ người đi lao động nước ngoài so với tổng dân số thấp hơn Đô Thành.

Xét về quy mô toàn tỉnh, Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài với hơn 60.000 người.

Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều vùng quê xứ Nghệ đã thay da đổi thịt, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.

Tỉnh Nghệ An xác định xuất khẩu lao động là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội; là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn.

Trung bình mỗi năm, Nghệ An có trên 13.000 người xuất cảnh đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, các nước Trung Đông và một số nước châu Âu.

Nguồn thu nhập do xuất khẩu lao động chuyển về hàng năm ước đạt 500 triệu USD/năm.

Cũng giống như xã Đô Thành ở Nghệ An, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có sự trù phú nổi bật trên mặt bằng chung của vùng bán sơn địa cằn cỗi.

Gia đình ông D ở thôn Tân Thượng có hai con đang làm việc ở Tây Âu từ năm 2012 và nhờ đó mà ông có tiền cất lên ngôi nhà cao tầng khang trang.

Theo chính quyền xã Thiên Lộc, hiện tại địa phương có hơn 1.200 người đang lao động tại các nước châu Âu và họ đóng góp không nhỏ vào việc làm thay đổi bộ mặt của làng quê.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính đến đầu tháng 11/2019, tỉnh có 55.200 người đang làm việc ở nước ngoài.

Tổng thu nhập của người lao động ở nước ngoài ước tính lên tới gần 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó số tiền gửi về nước khoảng 60%.

Nguồn tiền này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Hệ lụy từ việc đánh đổi 

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân tử vong tại hạt Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh. (Nguồn: TTXVN)

Việc ra nước ngoài lao động để tìm kiếm nguồn thu nhập cao hơn là nhu cầu chính đáng của người dân. Nhưng nếu đi theo con đường không chính ngạch thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy mà đau xót nhất là phải trả giá bằng tính mạng con người. 

Trước khi phía Anh chính thức xác nhận toàn bộ 39 người thiệt mạng trên xe container là người Việt Nam, nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã chuẩn bị tâm thế đón tin dữ.

Ông Nguyễn Đình Sắt (xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có con trai bị mất liên lạc sau khi rời nước Đức đi Anh tìm việc làm.

Ông cho biết, tại xã Đô Thành hầu như gia đình nào có con học xong trung học phổ thông hay trung học cơ sở cũng đều muốn cho "bọn trẻ" đến làm việc tại các nước châu Âu thông qua những người môi giới để mong "đổi đời."

Nhà không có tiền, ông Sắt đã vay ngân hàng một khoản tiền lớn làm "lộ phí" cho con trai Nguyễn Đình Tứ.

Chiều tối 25/10, gia đình ông Sắt nhận được điện thoại từ một người quen đang làm việc ở Anh thông báo rằng vài ngày trước Tứ đã theo xe hàng sang Anh. Sau đó, gia đình không thể liên lạc được với Tứ.

Ông Sắt mất ăn mất ngủ, cảm nhận rất rõ rằng cậu con trai của mình nằm trong danh sách 39 người xấu số. 

Hơn một tuần trước, có 21 gia đình ở tỉnh Nghệ An đã trình báo với cơ quan chức năng về việc người thân của họ bị mất liên lạc khi tìm đường sang Anh.

Điều đáng nói là những người này đều được những người môi giới hứa hẹn đưa đến châu Âu bằng con đường "vòng vèo" sau khi xuất cảnh hợp lệ khỏi Việt Nam.

Theo điều tra ban đầu, những người xuất cảnh kiểu này thường được "giúp" đưa tới nước trung gian rồi đi tiếp bằng con đường tiểu ngạch, dưới hình thức "du lịch," tham gia hội chợ và du học…

Nhưng khi gặp sự cố thì bản thân người lao động phải tự xoay sở, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Ông D. ở thôn Tân Thượng (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), có hai con trai đi lao động bất hợp pháp ở Anh và Đức. Cái giá của việc nhập cảnh và lao động chui ở châu Âu quá nghiệt ngã.

Cách đây mấy năm người con trai thứ hai của ông phải bỏ mạng tại Anh trong một lần chạy trốn cảnh sát. Giờ đây ông lại lo sợ cậu con trai lớn đang làm ăn ở Đức theo bạn bè nhập cảnh chui vào Anh theo lộ trình của những chiếc container đông lạnh.

Trong số 39 người thiệt mạng trong xe container ở Anh, có tới 21 người ra đi từ Nghệ An, 10 người từ Hà Tĩnh, 3 người từ Quảng Bình, 3 người từ Hải Phòng, Hải Dương và Thừa Thiên-Huế (mỗi địa phương có một nạn nhân).

Đây quả thực là một nỗi đau, một bài học quá đắt giá, đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Kiên quyết ngăn chặn đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp

Bài học đau xót từ vụ 39 người Việt tử vong khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh cho thấy dù động cơ kiếm tiền mạnh đến mức nào thì tính mạng con người và sự tôn trọng pháp luật phải được đặt lên trên hết.

Việc nhập cảnh trái phép và lao động "chui" cần được kiên quyết loại bỏ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo.

Tại buổi giao ban báo chí tháng 10 của tỉnh Nghệ An được tổ chức vào ngày 7/11, Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" để mở rộng điều tra đường dây liên quan đến vụ phát hiện 39 người Việt tử vong ở Anh.

Đồng thời, Công an tỉnh cũng đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 7 đối tượng để điều tra làm rõ đường dây này.

Bên cạnh việc trấn áp loại hình tội phạm mua bán người và đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp thì điều rất quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người lao động và gia đình để tránh tình trạng bị lôi kéo vào con đường chui lủi, đánh đổi mạng sống.

Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước, danh mục các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn lao động xuất khẩu; phối hợp giáo dục, quản lý để khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật của nước tiếp nhận lao động và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng; tích cực định hướng xuất khẩu lao động hợp pháp, chỉ rõ những khó khăn, rủi ro có thể gặp khi lao động bất hợp pháp; cảnh báo thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đưa người đi lao động ngoài nước bất hợp pháp để nhân dân trên địa bàn phòng tránh và tố giác.

Còn tại Hà Tĩnh, để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi, vi phạm trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng xuất khẩu lao động, tuyển sinh đào tạo, thu tiền của người lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã đề nghị các cơ quan thông tấn-báo chí, Công an tỉnh, các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với các địa phương của Cộng hòa Liên bang Đức và Hàn Quốc.

Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Can Lộc, cho phóng viên TTXVN cho biết để hạn chế tình trạng người dân trên địa bàn đi sang các nước châu Âu tìm việc làm bằng con đường bất hợp pháp, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm một số thị trường, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong các khâu của quá trình tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động một cách an toàn và hiệu quả.

Với những quyết tâm và nỗ lực từ Chính phủ, các ngành, các địa phương cũng như những bài học đau xót rút ra từ câu chuyện bi thương ở Anh khiến nhiều gia đình đột ngột mất đi những người thân yêu nhất của mình, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng hãy tỉnh táo và sáng suốt khi đưa ra những quyết định và sự lựa chọn về con đường mưu sinh nơi xứ người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục