Không kích ở miền Trung Libya, nhiều dân thường thiệt mạng

Ngày 20/9, ít nhất 9 dân thường, trong đó có phụ nữ trẻ em, đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong một vụ không kích xảy ra gần thị trấn Houn, miền Trung Libya.
Lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tốc của Libya giao chiến với phiến quân IS tại Sirte ngày 28/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguồn tin y tế và giới chức địa phương cho biết ngày 20/9, ít nhất 9 dân thường, trong đó có phụ nữ trẻ em, đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong một vụ không kích xảy ra gần thị trấn Houn, miền Trung Libya.

Hiện vẫn chưa xác định được các máy bay thực hiện vụ không kích trên đến từ đâu, song một số nhóm vũ trang trung thành với các đảng phái ở miền Đông và Tây Libya đang hoạt động ở khu vực này.

Người phát ngôn của lực lượng trung thành với chính phủ miền Đông của Libya cho rằng các máy bay chiến đấu đến từ thành phố Misrata, miền Tây nước này, đã thực hiện vụ không kích trên nhằm tấn công một lữ đoàn đang kiểm soát khu vực.

Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng không quân tại Misrata Mohamed Gonono đã bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định lực lượng này chỉ tiến hành hoạt động trinh sát tại khu vực duyên hải.

Các lực lượng vũ trang từ Misrata và miền Đông đang ủng hộ hai phe đối địch tại Libya và đã tham gia vào cuộc xung đột trong hơn hai năm qua tại nước này.

Các lực lượng miền Đông trung thành với với quốc hội và chính phủ bị buộc phải rời thủ đô Tripoli đến Tobruk vào năm 2014, trong khi phe đối địch được các nhóm vũ trang tại Misrata ủng hộ đã giành quyền kiểm soát thủ đô và thành lập một chính quyền tương đương.

iện các đảng phái chính tại Misrata đang ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc hậu thuẫn.

Trong suốt 4 tháng qua, các nhóm vũ trang tại Misrata đã tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Sirte, cách thị trấn Houn 275km về phía Bắc.

Mối quan ngại về một cuộc xung đột mới đã gia tăng trong 10 ngày qua, sau khi các lực lượng miền Đông giành được 4 cảng dầu và tiến về khu vực ven biển cách Sirte khoảng 150km.

Libya rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011. Hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ đã tồn tại song song kể từ khi thủ đô Tripoli bị lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ, khiến chính phủ được quốc tế công nhận từng phải chuyển về thành phố Tobruk.

Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, GNA thay thế các chính quyền đối địch được thành lập hồi đầu năm nay, với Hội đồng Tổng thống gồm 9 thành viên do Thủ tướng được chỉ định Fayez al-Sarraj đứng đầu.

Tuy nhiên, chính phủ này đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong sự phản đối của các phe phái đối địch.

Ngày 22/8 vừa qua, Quốc hội ở miền Đông đã bỏ phiếu bất tín nhiệm GNA. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục