Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, nếu tiếp tục không in thêm tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết nguyên đán 2015 sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng
Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại buổi họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động của các máy ATM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 21/1, tại Hà Nội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không in và phát hành một số loại tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng loại tiền này trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng...
Cụ thể, từ năm 2013, với việc không in thêm loại tiền mệnh giá 500 đồng đã giúp tiết kiệm cho ngân sách hơn 94 tỷ đồng từ việc giảm bớt chi phí in ấn và phát hành. Năm 2014, không in thêm tiền mới loại 1.000 đồng và 2.000 đồng góp phần tiết kiệm thêm hơn 314 tỷ đồng.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dừng in và phát hành tiền mới mệnh giá 5.000 đồng trở xuống. Số tiền dự kiến tiết kiệm được khoảng 580 tỷ đồng.
Tính chung cho 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được hơn 1.084 tỷ đồng từ chủ trương ngừng in thêm các loại tiền mới mệnh giá nhỏ.
Còn Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Chí Thành cũng cho biết, hiện nay, để tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước không in các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2015 và các năm tiếp theo.
Do đó, đại diện cơ quan này mong muốn được người dân ủng hộ đối với chủ trương sử dụng đồng tiền Việt Nam một cách hợp lý, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và tiết kiệm chi phí xã hội.
Vẫn liên quan đến tiền lẻ, tiền mới trong dịp Tết, ông Tú đặc biệt lưu ý, năm nay có một quy định mới là Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ, đổi tiền lẻ mới để ăn chênh lệch. “Theo Nghị định số 96, hành vi này sẽ bị xử phạt 20-40 triệu đồng”, ông Tú khẳng định.
Đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao về số lượng và cơ cấu mệnh giá vào dịp Tết Nguyên đán 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt đồng thời tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.
Để triển khai thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước trên địa bàn, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có hệ thống ATM cần đặc biệt quan tâm tăng cường tiếp quỹ các máy ATM và tìm giải pháp đảm bảo hệ thống thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.
Tính trung bình, mỗi cột ATM cũng ngốn khoảng 500 triệu - 700 triệu đồng, đủ các loại tiền từ 500.0000, 200.000, 100.000 và các mệnh giá chục nghìn nên Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đủ số lượng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu những năm trước vẫn còn xì xào về khan hiếm tiền lẻ nhưng năm nay thì không, toàn bộ cơ cấu mệnh giá sẽ được đáp ứng đầy đủ.
Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho biết, ngân hàng này đã chuẩn bị chu đáo mọi phương án từ tăng hạn mức tiền nạp đến các biện pháp bảo vệ an ninh, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt trong dịp Tết./.