Đầu tư chứng khoán luôn là thách thức, nhất là trong điều kiện kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong hoàn cảnh đó, các công ty chứng khoán duy trì được hoạt động kinh doanh và làm ăn có lãi là một quá trình không hề đơn giản.
Tuy nhiên khi trao đổi phóng vấn với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI vẫn giữ quan điểm, “Kể cả trong trường hợp đạt kết quả kinh doanh tốt nhất thị trường, song Công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra thì không thể nói rằng anh đã làm tốt.”
Năm vừa qua, SSI là một trong số ít công ty chứng khoán duy trì được lợi nhuận trong điều kiện thị trường không thuận lợi, vậy lương thưởng cho anh, em cuối năm Chủ tịch có quyết sách hẫu hĩnh?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Năm nay, mặc dù có thể cho rằng SSI đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất trong khối các công ty kinh doanh chứng khoán, song vẫn không hoàn thành kế hoạch nên tôi không đề xuất quỹ thưởng. Đã không hoàn thành kế hoạch thì không thể nói là làm tốt, là người đứng đầu công ty tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này. Không hoàn thành kế hoạch, Chủ tịch sao lấy thưởng?
Năm 2011, SSI có giải pháp gì cho lấy lại phong độ trong kinh doanh? Ông Nguyễn Duy Hưng: Từ trước đến giờ, các nhà đầu tư trên thị trường vẫn lo lắng một công ty chứng khoán vừa tự doanh vừa môi giới sẽ gây ra những mâu thuẫn về quyền lợi. Theo kế hoạch, từ đầu quý 3/2011 SSI sẽ không có tự doanh nữa. Tiền của SSI sẽ chuyển sang các quỹ Công ty quản lý và có sự giám sát của ngân hàng, qua đó tạo ra sự rõ ràng và minh bạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ dồn sức nhiều hơn cho hoạt động môi giới. Sáu tháng cuối năm 2010, SSI đã giành lại được vị trí dẫn đầu về giá trị thị phần giao dịch môi giới trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện chuyển đổi, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực để tiếp tục giữ vững vị trí số một trên thị trường. Tôi tin rằng kết quả đạt được sẽ là hệ quả tất yếu của một quá trình hành động. Ông có ý kiến gì về sự chuyển động của VN-Index không còn đồng điệu với xu hướng thị trường?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Việc một số mã chứng khoán có vốn hóa lớn đi lên một cách kỳ ảo (ở chỗ thanh khoản rất thấp, P/E lại rất cao) đã tác động lên chỉ số VN-Index đang khiến cả cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán và các tổ chức tài chính như chúng tôi rất đau đầu. Các cổ phiếu này không chỉ tác đến thị trường đầu tư trong nước mà nó còn ảnh đến cả các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trong rổ tính chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương có cả những cổ phiếu trên. Vấn đề khó ở chỗ, đưa ra những giải pháp giải quyết được vấn đề này, song lại phát sinh vấn đề ở chỗ khác, chẳng lẽ cả thị trường lại tiếp tục chạy theo các giải pháp khác nữa? Nhiều thành viên trên thị trường đang quan tâm, tìm kiếm cách giải quyết vấn đề này. Bản thân tôi rất đồng tình với việc cần thiết phải đưa ra một chỉ số nào đó để cho nhà đầu tư tham vấn khi quyết định. Tình hình này, sang năm có thể các công ty chứng khoán hay các tổ chức tài chính sẽ đưa ra một chỉ số khác phản ánh đúng diễn biến của thị trường hơn, sau khi đã loại bỏ ra ngoài một số mã cổ phiếu mà chỉ cần bỏ vào rất ít tiền cũng có thể tác động chỉ số trên thị trường lên, xuống.
Ông đánh giá như thế nào về dấu ấn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Một điều rõ ràng tất cả các quỹ đầu tư giá trị năm 2010 tại thị trường chứng khoán Việt Nam đều thất bát. Nhìn nhận bản chất nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường năm qua chủ yếu là những dòng vốn ngắn hạn, nó đến từ các quỹ tư theo kiểu đầu tư ngắn hạn (như quỹ đầu tư chỉ số - ETF). Dòng vốn này một mặt sẽ giúp cho thị trường sôi động hơn ở thời điểm trước mắt. Tuy nhiên nếu có quá nhiều dòng vốn ngắn hạn như vậy sẽ tiềm ẩn rủi ro trong tương lai gần và trung hạn. Có nhiều cách kiểm soát dòng vốn này, nhưng phải rất đồng bộ và mang tính thị trường. Một trong những cách phổ biến là sử dụng công cụ thuế. Như quy định các sắc thuế rất cao đối với các trường hợp rút ra sớm và mức thuế cũng sẽ giảm dần theo các mốc thời gian cam kết, qua đó sẽ thu hút quỹ đầu tư dài hạn hơn.
Nếu cần phải đưa ra một ý kiến tư vấn, ông dự báo như thế nào về xu hướng của năm Tân Mão?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Thông điệp của Thủ tướng đưa ra từ đầu năm, phải ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát là hai yếu tố quan trọng nhất. Tôi nhìn thấy việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô là việc rất cần thiết phải làm trong điều kiện kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện hai mục tiêu trên thì lượng cung tiền vào nền kinh tế sẽ phải ít hơn và điều này dĩ nhiên là không thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Theo tôi, trong Quý I/2011 thị trường chứng khoán sẽ không có nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư lướt sóng. Năm 2011, thị trường sẽ dao động lên, xuống xung quanh mức 20%. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường không thuận lợi, cơ hội tư dài hạn lại mở ra, như cơ hội lựa chọn đầu tư các cổ phiếu có hệ số cơ bản, giá trị tài sản tốt, kinh doanh hiệu quả, dòng tiền ổn định và ở mức giá giao dịch hợp lý. Để đánh giá cổ phiếu tốt hay xấu là phụ thuộc vào tiêu chí của các nhà đầu tư. Theo tôi, với một mức P/E như hiện nay, rất nhiều cổ phiếu đã có thể đầu tư. Sư biến động về giá cổ phiếu không còn lớn nhưng lợi nhuận của nó lại rất cao, như các cổ phiếu thuộc ngành thủy sản, điện, công nghiệp. Cụ thể hơn là các doanh nghiệp phát triển trong cả thời kỳ khủng hoảng hay không khủng hoảng đều cân bằng, ổn định, đó chính là những cổ phiếu tốt./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)