Là lớp người "tây học", ông Hải rất thích đọc sách, trong nhà có cả một thư viện sách, với đủ chúng loại đông tây kim cổ. Vợ ông vốn là cháu nội Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, đại thần triều Nguyễn, gia đình khi ấy có cửa hàng bán vải ở phố Hàng Đào.
Biết vợ ham học hỏi cho dù chưa hề được cắp sách đến trường, ông luôn khuyến khích động viên vợ đọc sách báo, tự học để tìm hiểu những kiến thức vô giá từ kho tàng tri thức của nhân loại, nhất là biết cách nuôi dạy con nên người và thay chồng quản lý mọi việc, khi ông biết mình lâm bạo bệnh, không sống được bao lâu…
Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, 75 tuổi, ở tại 124 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội bắt đầu câu chuyện về gia đình mình như thế.
Sinh ra trong một gia đình cả bên nội, bên ngoại đều có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ tiến sĩ được lưu danh tại Văn Miếu, bà Đạm Thư sớm thừa hưởng tinh thần hiếu học của dòng họ, đặc biệt là sự nâng đỡ, động viên, khuyến khích của người mẹ mà với bà là tấm gương tự học và nghị lực vươn lên lớn nhất. Góa chồng từ năm 29 tuổi, cụ thân sinh ra bà đã ở vậy, âm thầm hy sinh, suốt đời cần kiệm, nuôi dạy các con, các cháu trưởng thành.
Trước cách mạng, gia đình bà Thư ở cuối phố Phan Chu Trinh thuộc khu phố Tây, xung quanh hàng xóm toàn người Tây. Bản thân bà Thư cũng là học sinh trường Tây - Trường Sanh Marie, ở phố Hai Bà Trưng. Nhưng ở nhà, mẹ của bà lại hết sức coi trọng quốc văn, đã mua sách dạy chữ quốc ngữ và thơ văn tiếng Việt, phần để tự học tiếng Việt, đọc các sách sử, địa trong tủ sách của chồng để lại, phần để dạy con cái.
Nhờ đó, bà Thư đã tự đọc được sử nước nhà của Trần Trọng Kim, địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, thơ Tản Đà, các truyện cổ tích nước Nam, ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch nên khi chuyển sang học tiếng Việt sau Cách mạng tháng Tám bà không bị bỡ ngỡ.
Bài học đầu đời bà học từ cha mẹ mình là lòng tự tôn dân tộc, phải học giỏi để tụi “tây con, đầm con” không dám hống hách, coi thường người Việt mình.
Sau đảo chính Nhật tháng 3/1945, các trường Tây đều đóng cửa, bà Thư có nhiều dịp theo mẹ về bên ngoại ở phố Hàng Đào. Những ngày gần khởi nghĩa tháng 8/1945, ở tuổi lên 10, bà Thư cảm nhận rõ nét không khí cách mạng sục sôi lan khắp khu phố cổ, nhất là cửa hàng bán vải ở 62 phố Hàng Đào của bà ngoại luôn tấp nập người mua vải vàng, vải đỏ để may cờ Tổ quốc.
Sáng sớm ngày 19/8, theo chân người bác đến tham gia cuộc míttinh ở Nhà hát Lớn, lần đầu tiên bà Thư được đọc bản hiệu triệu ký tên Nguyễn Ái Quốc và học hát bài Tiến quân ca. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, cũng là lúc mọi gia đình Hà Nội, nhà nhà ở khu phố cổ, trong đó có nhà bà ngoại của bà Thư, đã thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên để kính báo tin nước nhà độc lập.
Những năm sau này, khi bà tham gia phong trào học sinh kháng chiến của nữ sinh trường Đồng Khánh-Trưng Vương (1949-1953), đạp xe chuyển sách báo kháng chiến đến nhiều nơi trong Hà Nội, bị bắt giam tại Sở mật thám Pháp; du học tại Đại học tổng hợp Sorbonne Paris, Cộng hòa Pháp (1953-1955); rồi về nước học Đại học Sư phạm chuyên ngành hóa, làm giáo viên trường lâm nghiệp, đi dạy và đưa học sinh đi thực tập ở các tỉnh miền núi…, nhưng ấn tượng về những ngày Cách mạng tháng Tám năm xưa không hề phai nhạt, mà càng hun đúc tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc trong người con gái Hà Nội này.
Nhớ lại thời Hà Nội 36 phố phường những năm trước cách mạng, bà Thư không khỏi bồi hồi, đặc biệt là những nét văn hóa đời thường giản dị, tinh tế bà cảm nhận được từ nếp sống của cư dân phố cổ, nơi lưu giữ hồn cốt của Hà Nội xưa thanh lịch.
Sống ở khu phố Tây nhà nào biết nhà nấy, mỗi lần về bên ngoại ở phố Hàng Đào, trung tâm của khu phố cổ, đi tàu điện có chuông leng keng đến đầu Hàng Khay, Tràng Tiền, nhìn thấy Hồ Gươm, lòng bà đã rộn ràng nghĩ tới các món quà ngon được các bác, các dì thết đãi. Quà có khi là món mì vằn thắn, bát tào phở hay cốc thạch đen, khi là bánh giò nóng, chiếc bánh kem nhỏ xinh, cả món bánh rán giòn tẩm vừng khi cầm lên nghe thấy viên nhân đỗ xanh lúc lắc bên trong cửa hiệu Việt Hương... thứ gì cũng ngon, chú ý về chất hơn là lượng.
Bà vẫn nhớ như in những đám cưới, đám giỗ bên ngoại đông đúc, mâm cỗ thịnh soạn, các món bày biện rất đẹp mắt, từ bát bóng, bát mực để trong bát chiết yêu đến chiếc chả chìa cuốn giấy như đăng ten ở tay cầm. Các khách ăn cỗ xong khi ra về còn được nhận phong bánh thơm mùi quế, bọc trong chiếc khăn tay nhiễu hồng.
Rồi những bữa cơm gia đình sum vầy, khi đưa bát cơm ra xới, cũng được mẹ dạy cách nói cho thanh nhã, đơn giản như “cho con xin miếng cơm” thay vì “xin bát cơm,” hay cách múc canh cho từ tốn không để sóng sánh ra ngoài.
Lúc du học ở Pháp, bà Thư được mẹ may cho một loạt áo dài để sử dụng mà không mặc váy Âu, trong đó áo mùa Hè đều là tơ lụa hàng vân Hà Đông, mùa Đông có áo dài bông. Bà tự hào khi mặc chiếc áo dài truyền thống dự thi vấn đáp trôi chảy ở giảng đường đại học và là người châu Á, người Việt duy nhất thi đỗ loại khá, khóa học Toán, Lý, Hóa cao cấp cơ bản (1954-1955).
Suốt đời gắn bó với Hà Nội, trải qua bao thăng trầm, từng đi qua hơn hai chục nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, bà Đạm Thư vẫn giữ cho mình lối sống giản dị và cần kiệm, học được từ bà, từ mẹ, những người con gái Hà Nội đảm đang, tháo vát và trí tuệ.
Ở tuổi 75, bà Thư vẫn sử dụng máy tính, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, sưu tầm tài liệu, kết nối dòng họ, làm cầu nối với bạn bè Pháp về các hoạt động hỗ trợ trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Khi ở nhà, bà dành trọn thời gi an cho các cháu vì với bà đó là niềm vui thuần khiết nhất.
Bà rất vui khi trên chuyến bay từ châu Âu về Hà Nội tháng Tám vừa qua, có rất nhiều người châu Âu sang Việt Nam công tác và du lịch. Vị thế của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nóí riêng đã có thay đổi đáng mừng, nhất là ở thời khắc Thăng Long-Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Bà cũng mừng khi giáo sư Ngô Bảo Châu, một người con của Hà Nội được vinh danh trên diễn đàn Toán học Thế giới...
Hà Nội thân yêu sẽ ngày càng đẹp hơn lên, bởi những giá trị văn hóa tinh thần mà những người Hà Nội như bà Đạm Thư đang góp phần gìn giữ, vun bồi./.