Không gian tự chủ kinh tế của EU trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung

Các nhà hoạch định chính sách của EU đã "tái định vị" quan hệ EU-Trung Quốc, coi nước này là "đối thủ cạnh tranh kinh tế, "đối thủ về thể chế" và "bên đàm phán trong các vấn đề toàn cầu."
(Nguồn: aa.com.tr)

Theo trang mạng Quốc tế (cfisnet.com), toàn bộ châu Âu, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), đã liên tục thay đổi nhận định về tình hình quốc tế và quan hệ Trung Quốc-EU. Điều này cho thấy diễn biến của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng hơn nữa nhận thức của họ.

Nhận thức của châu Âu về những thay đổi trong tình hình quốc tế dường như chậm hơn Mỹ nửa nhịp. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giới trí thức Mỹ đã sớm đưa ra những chỉ trích nặng nề về trật tự quốc tế tự do mới, song trào lưu chính của giới tinh hoa chính trị và trí thức châu Âu vẫn cảm thấy "cuộc sống yên ổn" và cho rằng người Mỹ đang quá lo lắng.

Mãi đến tháng 6/2016, EU mới ban hành hai văn kiện chính sách quan trọng, một là "Chiến lược toàn cầu của chính sách đối ngoại và an ninh của EU" và hai là "Các yếu tố mới trong Chiến lược của EU đối với Trung Quốc."

Quan điểm của hai tài liệu này cho thấy vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách EU vẫn cho rằng chủ nghĩa tự do mới đại diện cho hướng phát triển trong tương lai của cộng đồng quốc tế và quản trị toàn cầu có thể tiến triển thuận lợi.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi hai tài liệu này được công bố, Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU và cuối năm 2016, cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử. Điều này đã làm chấn động giới tinh hoa chính trị ở châu Âu. Kết quả là hệ thống hình thái ý thức cố hữu của họ đã có những dao động, nhận thức chiến lược vốn có đã có những thay đổi.

Kể từ đó cho đến khi Ủy ban châu Âu mới lên nắm quyền vào đầu năm 2020, giới tinh hoa châu Âu đã trải qua một giai đoạn tự suy ngẫm đầy đau khổ, họ điều chỉnh nhận định đối với thế giới, điều chỉnh cách nhìn nhận về vị trí chiến lược của châu Âu, Mỹ, và quan hệ EU-Trung Quốc.

Từ năm 2017 đến năm 2019, Ủy ban châu Âu do ông Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch đã ban hành một loạt văn kiện và tiến hành nghiên cứu lại về toàn cầu hóa.

Đại dịch COVID-19 tác động đến nhận thức của EU như thế nào?

Trước hết, EU cho rằng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập châu Âu do chủ nghĩa tự do mới thúc đẩy đã gặp phải những trở ngại nghiêm trọng, trong đó sự trở lại của địa chính trị truyền thống và chính trị quyền lực bị chi phối bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các cường quốc đang định hình hướng đi của thế giới trong khoảng thời gian tới.

EU không còn tràn đầy tin tưởng vào toàn cầu hóa kinh tế, không còn kiên định cho rằng con đường hội nhập khu vực của châu Âu đại diện cho xu hướng phát triển thế giới và không còn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa tự do.

[Khó khăn của EU trong cân bằng chiến lược với Trung Quốc]

Thứ hai, EU cho rằng chủ nghĩa dân tộc kinh tế đã trở thành chủ trương chính sách quan trọng của các cường quốc trên thế giới trong việc xử lý quan hệ đối ngoại, từ đó đã bắt tay thực hiện khung chính sách mới với nòng cốt là "quyền tự chủ chiến lược châu Âu," bao gồm "nền kinh tế châu Âu và chủ quyền công nghệ," đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát công nghệ mũi nhọn và các ngành sản xuất đi đầu, tăng cường bảo hộ thương mại và kiểm tra giám sát đầu tư, tăng cường tính độc lập của EU với Mỹ cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thứ ba, EU nhận thức được rằng họ đã đánh giá thấp tốc độ và mức độ trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời cho rằng châu Âu đang ở trong "khe hở" của cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, và rất lo lắng về điều này. Người châu Âu hiện thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là "biến số lớn nhất trong địa chính trị" và cũng là "thách thức lớn nhất" đối với châu Âu.

Thứ tư, EU vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tư tưởng và nhấn mạnh sự dung hòa của "ngoại giao giá trị" và "ngoại giao kinh tế."

Tầm quan trọng của "quyền tự chủ chiến lược"

Trên cơ sở những thay đổi về nhận thức này, các nhà hoạch định chính sách của EU đã "tái định vị" quan hệ EU-Trung Quốc, coi nước này là "đối thủ cạnh tranh kinh tế, "đối thủ về thể chế" và "bên đàm phán trong các vấn đề toàn cầu." Đồng thời, tiếp tục công nhận Trung Quốc là "đối tác chiến lược" của EU.

Việc đưa ra 4 định vị này có nghĩa là giới tinh hoa chính trị châu Âu đang có những thay đổi về chất trong cách đánh giá quan hệ châu Âu-Trung Quốc. Từ đó, EU và các cường quốc châu Âu không còn coi Trung Quốc là đối tác chiến lược thực sự, mà coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và tập trung nhiều hơn vào năng lực cạnh tranh và đối đầu trong xử lý quan hệ với Trung Quốc chứ không phải là tính hợp tác, cũng hòa nhập với nhận thức của Mỹ về chiến lược đối với Trung Quốc.

Trước đây, chúng ta thường so sánh hợp tác kinh tế thương mại với "hòn đá tảng" quan hệ Mỹ-Trung, nhưng sau đó phát hiện ra rằng quan hệ kinh tế thương mại đã trở thành nguồn gốc của xung đột. Trên thực tế, hiện tượng này cũng đã xảy ra trong quan hệ Trung Quốc-EU khi những va chạm kinh tế thương mại ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, có một thay đổi rõ rệt khác, đó là các cường quốc châu Âu ngày càng nhấn mạnh đến "quyền tự chủ chiến lược," có nghĩa là trong mô hình cạnh tranh chiến lược mới giữa Trung Quốc và Mỹ, châu Âu phải tăng cường tính chủ thể của mình, bắt đầu thực hiện chiến lược an ninh thúc đẩy sự tự chủ và chủ nghĩa dân tộc kinh tế mang tính khu vực.

Người châu Âu có một câu nói rất rõ ràng: "Người châu Âu hiện đại lo lắng nhất về điều gì? Đó chính là cạnh tranh Mỹ-Trung coi châu Âu như một ‘đấu trường’. Châu Âu nên biến mình thành một bên cạnh tranh trong cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, chứ không phải là đấu trường." Đây là suy nghĩ mà giới tinh hoa chính trị châu Âu hiện nay khó có thể từ bỏ.

Làm thế nào để đánh giá hướng đi trong tương lai của chính sách Trung Quốc của EU? Trước hết, việc EU chú trọng tính cạnh tranh của quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai đồng nghĩa với việc phát triển quan hệ song phương sẽ không thuận lợi.

Thứ hai, EU sẽ vẫn đề cao chủ nghĩa cơ hội và tâm lý "người giao dịch" trong việc đặt cược vào cả hai phía Trung Quốc và Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là cố gắng không đắc tội với Trung Quốc đồng thời không bó buộc hoàn toàn với Mỹ. EU sẽ tăng cường đồng thời với Mỹ và phối hợp đối thoại với Trung Quốc.

Thứ ba, do vẫn còn sự thiếu tin tưởng lẫn nhau về mặt chiến lược giữa châu Âu và Mỹ, nên Trung Quốc vẫn có thể tìm thấy dư địa để thúc đẩy sự phát triển của quan hệ EU-Trung Quốc và lập nên công tích trong việc thúc đẩy phối hợp hợp tác song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục