Không gian sáng tạo lan rộng ngoài trung tâm, kỳ vọng chính sách mới

Các không gian sáng tạo lâu nay tập trung ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, nay đã lan ra nhiều tỉnh thành. Song song với đó là kỳ vọng vào những chính sách mang đến điều kiện để phát triển.
Không gian văn hóa Cà phê thứ Bảy tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Trước tiên, cần hiểu "không gian sáng tạo" là những nơi tụ họp có thực hoặc trực tuyến, hoặc chỉ là một nhóm những người làm trong lĩnh vực sáng tạo. Đây cũng là điểm đến cung cấp sự sẻ chia, hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và công nghệ.

Những không gian này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận tới các nguồn kiến thức, kỹ năng mà còn mang đến sự thân thiện cởi mở, giúp thay đổi danh tính cho thành phố và tạo ra nhiều việc làm...

Trước những ý nghĩa đó, Hội đồng Anh đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) để thực hiện dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam, triển khai từ tháng 6/2018 đến nay. Kết quả tổng kết sau 3 năm, dự án đã mang đến nhiều tín hiệu khởi sắc cho những người làm đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

Ra xa khỏi trung tâm

Báo cáo của dự án “Không gian sáng tạo tại Việt Nam” năm 2018-2021 cho biết số không gian sáng tạo tại Việt Nam đã tăng từ 40 lên đến 140. Trong khi hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có tới hàng chục không gian văn hóa sáng tạo như vậy, những tỉnh thành khác lại chưa có được sự nhộn nhịp ấy.

Tuy nhiên, dự án cũng cho thấy việc hình thành các không gian văn hóa, sáng tạo tại Đà Nẵng, Hải Phòng, khu vực Tây Nguyên... cho thấy sự mở rộng ra xa khỏi các thành phố lớn, thành phố trung tâm dù tại những tỉnh thành này, số không gian như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cụ thể, báo cáo cho biết các không gian tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế và Đà Nẵng thường tập trung vào nghệ thuật đương đại và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, công nghệ thông tin...

Dự án Giọt sương Gia Rai. (Ảnh: Tổ chức Art Labor Collective)

Trong khi đó, các không gian tại Hòa Bình, Gia Lai và Buôn Ma Thuột như Dự án giọt sương Gia Rai (thuộc tổ chức Art Labor Collective), Trung tâm Phát triển Nông thôn Tây Nguyên lại chú trọng vào bảo tồn văn hóa bản địa, khai thác văn hóa để phát triển du lịch.

Tính đến nay, Trung tâm Phát triển Nông thôn Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có khoảng 6 năm tồn tại và phát triển. Đội ngũ của trung tâm đều là các chuyên gia nông nghiệp, văn hóa và ngôn ngữ người Nùng, Tày và Ê-đê.

Các hoạt động của Trung tâm xoay quanh việc tập huấn cho nông dân và cách sử dụng đất và bảo vệ rừng, tổ chức hội thảo, lớp học... để quảng bá âm nhạc, sản phẩm thủ công truyền thống và cả dạy tiếng Anh, tiếng Ê-đê cho người trẻ trong làng...

Tại Đà Nẵng mới chỉ vài năm trước, đội ngũ sáng tạo nghệ thuật gần như không thể thấy ở bất cứ đâu thì đến 2015, không gian chia sẻ văn phòng (coworking space) của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng DNES đã ra đời với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới.

Gần đây trong năm 2021, người sáng lập của quán càphê, không gian văn hóa Tổ chim xanh - chị Vũ Thanh Bình đã trở về quê hương Hải Phòng để lập nên không gian văn hóa Cửa Biển. Với kinh nghiệm 5 năm vận hành Tổ chim xanh, Vũ Thanh Bình đã cùng Cửa Biển phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức sự kiện vinh danh thơ Lưu Quang Vũ, chuỗi sự kiện tọa đàm về nghệ thuật và tuần lễ văn hóa sáng tạo.

Kỳ vọng ở chính sách

Tại buổi tổng kết dự án diễn ra chiều 24/6, Viện trưởng VICAS là Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, đạo diễn Phan Đăng Di và một số đơn vị khác đã có những chia sẻ về thực trạng chính sách của nhà nước và địa phương, qua đó bày tỏ sự cởi mở và tạo điều kiện hỗ trợ.

Đạo diễn Phan Đăng Di, người sáng lập không gian Gặp gỡ mùa Thu chuyên kết nối các cá nhân trong giới làm phim tại Việt Nam, cho biết chính phủ đã có sự công nhận các đơn vị văn hóa nghệ thuật ngoài công lập và đã bước đầu tạo một số hành lang pháp lý thuận lợi cho các đơn vị này.

Không gian văn hóa Gặp gỡ mùa Thu. (Ảnh: Facebook Autumn Meeting)

Vị đạo diễn cũng gọi sự tham gia tích cực từ đầu của VICAS là sự lắng nghe có hệ thống giữa một cơ quan đại diện nhà nước với những không gian văn hóa ngoài công lập. “Đây là cách thức cần duy trì và là thời điểm để các cơ quan nhìn nhận các tổ chức sáng tạo như những thực thế độc lập một cách công bằng, hữu hiệu với sự phát triển chung của bộ mặt văn hóa nhà nước,” ông nhận xét.

Song, đạo diễn Phan Đăng Di cũng bày tỏ mong muốn sẽ có những mô hình hỗ trợ, phối hợp lẫn nhau giữa các cơ quan chính phủ với các đơn vị sáng tạo văn hóa. Ông cho rằng vì lâu nay, nhà nước vẫn quan niệm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều mang tính chính quy, phục vụ mục đích chính trị nên chưa có nhiều sự lắng nghe, bàn bạc về chính sách phát triển chung.

Cuối phần chia sẻ, ông Phan Đăng Di gửi gắm kỳ vọng về những hoạt động lớn hơn hoặc có chiến lược hay hơn để sự lắng nghe và sự góp ý được duy trì về lâu dài, làm quốc gia có tiếng nói rõ ràng hơn trên thế giới.

[Xây dựng diện mạo, môi trường văn hóa mới cho thủ đô Hà Nội]

Bên cạnh nhiều điều cần khắc phục, cần ghi nhận một số địa phương đã có sự hỗ trợ tốt đối với các không gian sáng tạo. Tại Hải Phòng, chị Vũ Thanh Bình cho biết dù khái niệm “không gian sáng tạo” còn xa lạ với nhiều người, song chị và Cửa Biển đã được Sở Ngoại vụ và Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật giúp kết nối tới nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước cấp quận, thành phố để các sự kiện được diễn ra suôn sẻ.

Nói về sự tác động chính sách của dự án "Không gian sáng tạo tại Việt Nam" từ 2018-2021, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn của VICAS khẳng định không gian sáng tạo tại các đô thị đang là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều người, tuy nhiên chưa được đối xử và nhìn nhận là nơi tạo ra sự phát triển, sức hấp dẫn của đô thị.

Là đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Bùi Hoài Sơn cho biết dự án đã mang được tiếng nói của các đơn vị sáng tạo lên diễn đàn Quốc hội. Nhiều người bắt đầu để ý đến không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa hơn, thậm chí chất vấn vì sao chưa có một cục riêng để quản lý nhóm ngành này.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Trong 5 năm nhiệm kỳ, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài cam kết sẽ xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hóa bền vững dựa trên tinh thần công ước UNESCO năm 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

“Những không gian nhỏ giờ đây đã là câu chuyện của thành phố. Khi thành phố lấy sáng tạo làm hạt nhân định hướng cho phát triển thì mọi không gian sẽ được tạo điều kiện. Chúng ta có niềm tin rằng các cơ quan nhà nước sẽ đồng hành với các không gian sáng tạo,” Viện trưởng VICAS cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục