Không giảm biên chế đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng

Bộ Nội vụ sẽ đánh giá rất toàn diện về tổ chức bộ máy, về nhân lực y tế dự phòng và y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, chính sách phù hợp.
Không giảm biên chế đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội trong thảo luận về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ xác định rõ định mức biên chế nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô, phân số, điều kiện kinh tế xã hội của các vùng, miền phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ sẽ không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ một đề án về phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể bởi trong tình hình mới đây là một vấn đề rất quan trọng.

“Chúng ta đều biết là số viên chức, công chức của ngành y tế chiếm tới 25 % trong tổng số 39.000 viên chức và công chức nghỉ việc thời gian qua. Điều đó cho thấy phải đánh giá một cách rất toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng và y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy," Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, quản lý tổ chức y tế cơ sở, y tế dự phòng để đảm bảo được những yêu cầu về chính trị, xã hội, yêu cầu về thực tiễn và yêu cầu về pháp lý.

Lấy ví dụ về việc quản lý trung tâm y tế cấp huyện, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay hiện đang có hai luồng ý kiến: Nên để Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý hay là Sở Y tế quản lý. Điều này cũng là vấn đề Bộ Nội vụ cần phối hợp với ngành y tế xem xét lại.

“Chúng tôi đặt mục tiêu là phải làm sao để hoạt động hiệu quả nhất, chất lượng nhất nhưng vẫn đảm bảo được phân cấp quản lý Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 19, Ban chấp hành Trung ương khóa 12,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.

Về chính sách tiền lương, đãi ngộ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở nói riêng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và phải tính toán rất kỹ lưỡng về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng. Tuy nhiên, chính sách tiền lương sẽ đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng phải đảm bảo chính sách đặc biệt. 

Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách tuyển dụng, sử dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế theo Nghị định 115, Nghị định 101 và chính sách thu hút bác sỹ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị với Bộ Tài chính về việc nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 60 về cơ chế tự chủ, Nghị định 59, Nghị định 69 về xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp và đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục