Chỉ nhắc nhở, chưa phạt

Không gây khó khăn cho chủ xe sang tên, đổi chủ

Lực lượng CSGT đã tạo mọi điều kiện cho người dân trong việc sang tên đổi chủ và chưa tiến hành xử phạt "lỗi" xe không chính chủ.
Theo Thông tư 11/2103/TT-BCA, Thông tư 12/2013/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ hôm nay (15/4), lực lượng Cảnh sát giao thông đã tạo mọi điều kiện và không gây khó khăn cho người dân trong việc sang tên đổi chủ đồng thời chưa tiến hành xử phạt “lỗi” không chính chủ mà chủ yếu chỉ nhắc nhở.

Thủ tục thông thoáng

Theo Thông tư số 12/2013/TT-BCA, trong thời gian từ 15/4/2013 đến 31/12/2014, các trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người nay đăng ký sang tên trong cùng tỉnh (hay di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác) dù có chứng từ chuyển nhượng hay không đều được tạo thuận lợi về mặt thủ tục khi chủ xe có đủ chứng từ chuyển nhượng hợp lệ. Theo đó, thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện chỉ mất hai ngày, còn đối với trường hợp ngược lại, thủ tục này được giải quyết sau 30 ngày.

Chính bởi sự thông thoáng trong thủ tục, ngay trong ngày 15/4, tại nhiều điểm đăng ký phương tiên trên địa bàn Hà Nội người dân đã xếp hàng đông chờ đến lượt làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thông tư 12, theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết trên 500 hồ sơ ôtô làm thủ tục sang tên đổi chủ.

[Giải quyết thủ tục sang tên phương tiện chỉ 2 ngày]

Trung tá Bùi Sỹ Hưng, cán bộ đội quản lý phương tiện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội), người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của người dân nhận định, trong ngày hôm nay (15/4), có khá đông người dân đến tìm hiểu quy định mới, có khi gấp 3-4 lần các ngày trước đây.

“Có những người làm hồ sơ hoàn chỉnh, đã được chúng tôi tiếp nhận và giải quyết luôn, song cũng có nhiều trường hợp ở Hà Nội nhưng mua xe tại các tỉnh xa, thậm chí ở Sài Gòn, chưa có hồ sơ gốc, chúng tôi lại hướng dẫn chi tiết cho họ biết là cần phải rút được hồ sơ gốc của xe đang sử dụng (tức là phải về địa phương nơi cấp đăng ký xe trước đó để xin rút), kèm theo một số thủ tục cần thiết khác thì mới có thể sang tên đổi chủ theo Thông tư mới,” Trung tá Hưng cho biết.

Tại điểm đăng ký phương tiện giao thông trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tá Vũ Thanh Ba, Đội trưởng Điểm đăng ký phương tiện giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) cho rằng, với những phương tiện đăng ký lần 2 quá thời hạn sang tên đổi chủ, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chỉ dừng lại ở khâu nhắc nhở, tạo điều kiện cho người dân đi làm thủ tục sang tên đổi chủ mà chưa thực hiện xử phạt.

Bên cạnh Thông tư số 12, nhiều người dân quan tâm đến Thông tư số 11/2013/TT-BCA liên quan đến việc xử phạt lỗi chậm sang tên đổi chủ phương tiện.

[Phạt xe chính chủ: Tuyệt đối không làm khó người dân]

Ghi nhận của phóng viên Vietnam+, tại các chốt giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đều không được kiểm tra, xử phạt lỗi này ngoài đường.

Theo một chiến sĩ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại nút ngã Nguyễn Chí Thanh – Láng, thời điểm hiện tại, lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn chưa nhận được “lệnh” xử phạt "lỗi" không chính chủ từ cấp trên, nên chưa thể áp dụng xử phạt trong ngày hôm nay.

“Tất cả các trường hợp phương tiện không chính chủ, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở….,” chiến sĩ Cảnh sát giao thông này cho hay.

[Xử phạt xe chính chủ: Lại chờ Chính phủ quyết?]


Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, Đội Cảnh sát giao thông số 2 chưa triển khai việc xử phạt 'lỗi' không sang tên đổi chủ.”

Theo Trung tá Đức, lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường không dừng xe trên đường hoặc khi xử lý các vi phạm khác không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình… để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

“Việc xử phạt ‘lỗi’ không chính chủ do các điểm đăng ký phương tiện giao thông và các đơn vị phụ trách điều tra các tai nạn giao thông sẽ truy nguồn gốc phương tiện và ra quyết định xử phạt,”Trung tá Đức tiết lộ.

Đề cập đến khó khăn khi Cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt phải chứng minh được xe của chủ phương tiện là đi mượn, của người thân hay xe không sang tên đổi chủ, đa số lực lượng Cảnh sát giao thông thừa nhận: “Theo quy định, sau khi mua bán hoặc chuyển nhượng phương tiện, người mua sẽ có thời hạn một tháng để làm thủ tục sang tên đổi chủ. Như vậy, người vi phạm chỉ cần nhờ người đứng tên đã bán hoặc chuyển nhượng viết một cái giấy chứng nhận mới, vẫn còn hạn…. sẽ thoát bị xử phạt.”

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội khẳng định: “Lực lượng Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông thì chỉ xử lý những hành vi vi phạm giao thông và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mà không được phép hỏi và kiểm tra, xử lý 'lỗi' không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đối với người tham gia giao thông.”

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho việc chủ xe đăng ký sang tên đổi chủ, Đại tá Thắng đề nghị, người dân có thể phản ánh về phòng Cảnh sát giao thông những điều cán bộ chiến sĩ làm chưa đúng hoặc các bất cập về những công tác liên quan qua đường dây nóng 04.9424451.

Bên cạnh đó, Đại tá Thắng cũng yêu cầu, tại các điểm đăng ký trên toàn thành phố phải tăng cường cán bộ làm công tác tiếp dân, trích dẫn quy định và dán thông báo, hướng dẫn công khai cho nhân dân biết. Lực lượng phải nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký xe, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện nếu thấy thiếu thủ tục giấy tờ thì cán bộ chiến sỹ phải có trách nhiệm ghi lại đầy đủ cho người dân xem cần bổ sung những gì, tránh để người dân phải đi lại nhiều.

Lác đác... xe biển ngoại giao, nước ngoài


Theo thông báo số 27/TB-BCA-C61 do Bộ Công an ban hành, kể từ ngày 10/4 đến 10/6/2013, cá nhân, tổ chức đang quản lý, sử dụng xe mang biển kiểm soát nước ngoài, biển kiểm soát ngoại giao không đúng quy định, phải làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe. Sau thời hạn trên, Bộ Công an sẽ tiến hành tổng kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện làm thủ tục sang tên theo đúng quy định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho biết, mới chỉ có một vài trường hợp xe biển ngoại giao, biển nước ngoài đến các cơ quan Cảnh sát giao thông làm thủ tục sang tên.

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho thấy, cho đến thời điểm này có hơn 540 phương tiện biển ngoại giao, nước ngoài đã mua bán không đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 60 trường hợp được phát hiện, xử lý theo quy định.

"Thời hạn 60 ngày triển khai là thời gian đủ để những trường hợp xe ngoại giao, xe nước ngoài không đúng quy định làm các thủ tục để sang tên. Nếu trong thời hạn này, nếu các trường hợp vẫn cố tình không thực hiện các thủ tục theo đúng quy định thì Cục Cảnh sát giao thông sẽ có biện pháp kiểm tra, thu giữ xe," Cục Cảnh sát giao thông khẳng định.

Theo hướng dẫn của Bộ Công an, sau khi tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đúng quy định, cơ quan đăng ký xe sẽ thu hồi đăng ký, biển số xe và cấp giấy chứng nhận thu hồi cho người đang quản lý, sử dụng xe để đến cơ quan hải quan làm thủ tục cấp phép chuyển nhượng, thu thuế. Sau đó, người quản lý sử dụng xe đem hồ sơ đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng.

Hiện nay, nhiều người mua lại xe mang biển kiểm soát ngoại giao, biển nước ngoài mà không làm thủ tục thu hồi đăng ký xe và chuyển nhượng theo quy định. Đây là loại xe chất lượng vừa tốt, giá lại rẻ vì "né" được thuế và được hưởng một số quyền miễn trừ./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục