Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong Dự thảo Luật Giáo dục là có nên đưa triết lý giáo dục thành chương, điều riêng hay không? Đã nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về vấn đề này, với hai luồng ý kiến trái chiều...
Tranh cãi về triết lý giáo dục
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước “Triết lý giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện tại,” cấu trúc phổ biến của khái niệm “Triết lý giáo dục” gồm năm thành tố: sứ mệnh giáo dục, mục tiêu giáo dục, nội dung, phương pháp và nguyên lý giáo dục.
Trong đó, sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc. Mục tiêu giáo dục là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại.
Nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài cũng cho thấy, do nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi nước khác nhau, việc thể hiện tư tưởng triết lý trong luật giáo dục của các nước là bức tranh rất đa dạng. Nhìn chung các nước không tuyên bố rõ ràng về triết lý giáo dục trong luật. Ngoài mục đích, trong luật giáo dục của các nước thường có những điều khoản về các thành tố quan trọng khác của triết lý giáo dục như mục tiêu, nguyên lý. Trong đó mục tiêu luôn là thành tố xuất hiện phổ biến nhất.
Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, nhóm thực hiện Đề tài đề xuất, Việt Nam cần phải có tuyên bố rõ ràng về những tư tưởng triết lý trong Luật Giáo dục qua những điều khoản cụ thể, không thể bằng lòng với hai điều trong bản Dự thảo Luật Giáo dục hiện nay là “Mục tiêu giáo dục” (Điều 2) và “Tính chất, nguyên lý giáo dục” (Điều 3). Tuy nhiên ông Thêm cũng cho rằng không nên tách thành một chương riêng.
Cùng quan điểm này, giáo sư Trần Kiều cho rằng triết lý giáo dục cần phải được thể hiện thông qua các nội dung khác trong Luật, nhưng không nên tách thành chương riêng với tên “triết lý giáo dục.” “Nếu có một tên chương như vậy, tranh luận sẽ xảy ra ngay, vì hiện nay chưa có đồng thuận cao về triết lý giáo dục,” giáo sư Trần Kiều nói.
Viện dẫn kinh nghiệm quốc tế, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, thực tế tham khảo các nước cho thấy không có chương trình nào có mục về triết lý giáo dục mà triết lý thể hiện ở mục tiêu, quan điểm thực hiện chương trình và trong Luật cũng nên như vậy.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng nên đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục với một mục riêng.
Có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản, tiến sỹ Nguyễn Quốc Vương cho biết, triết lý giáo dục đã được Nhật Bản luật hóa và trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong giáo dục.
[Hai luồng ý kiến trái chiều về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi]
Ông Vương cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, các văn bản có mục tiêu, nguyên lý giáo dục, nhưng không có văn bản nào gọi đích danh triết lý giáo dục. Vì thế, người dân, giáo viên, những người thực thi không ý thức sâu sắc đâu là triết lý giáo dục, là điểm tựa và cũng là điểm cuối cùng soi chiếu tất cả các hành vi giáo dục.
Thừa nhận điều này, giáo sư Trần Kiều cũng chia sẻ: “Chúng ta có nhược điểm là luôn đưa ra một số thứ rất cao cả, rất lý tưởng, rất cao đẹp, nhưng cuối cùng không thể đánh giá được. Tất cả những cái đó phải tư duy lại trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới.”
Chính phủ đồng ý không đưa vào Dự thảo Luật
Theo Báo cáo số 22/BC-CP vừa được Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), phần lớn các ý kiến góp ý đồng tình với quan điểm triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy định về mục tiêu của giáo dục (Điều 2), tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 3), yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục (Điều 7) và phát triển giáo dục (Điều 11) của Dự thảo Luật Giáo dục, trong Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy, trong Dự thảo, không cần phải có một chương hay điều luật riêng có tên là “triết lý giáo dục.”
Nhóm quan điểm này cũng cho rằng phương án khả thi nhất hiện nay là tiếp tục hoàn thiện các quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 6 và Điều 11 của dự thảo Luật để thể hiện đầy đủ tư tưởng triết lý giáo dục. Ngoài ra, nhiều ý kiến góp ý đề xuất sửa câu chữ để hoàn thiện mục tiêu giáo dục và tính chất, nguyên lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam, đáp ứng sự phát triển khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.
Một số ít ý kiến đề nghị hợp nhất Điều 2 (Mục tiêu giáo dục) và Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục) thành một điều là “Triết lý giáo dục”, làm kim chỉ nam cho phát triển triển giáo dục nước nhà.
Báo cáo cũng nêu rõ, Chính phủ đồng ý với nhóm ý kiến thứ nhất: không đưa vào dự thảo Luật Giáo dục một chương hoặc điều với tên gọi là “triết lý giáo dục.” Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện điều quy định về mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục và chuyển vị trí Điều 11 về phát triển giáo dục lên thành Điều 3 nhằm thể hiện rõ triết lý giáo dục. Việc này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam và cụ thể hóa Điều 61 của Hiến pháp 2013: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”./.