Không 'đưa lên, đẩy xuống' trong xử lý ô nhiễm môi trường

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quá trình khắc phục ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định thống nhất, không "đưa lên, đẩy xuống."
Không 'đưa lên, đẩy xuống' trong xử lý ô nhiễm môi trường ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ, ngành, đại diện các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, một số doanh nghiệp về kết quả xử lý ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Khẩn trương có giải pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 439.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm, hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155 m3/ngày đêm đều được thu gom, xử lý tập trung. Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi, hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Trong giai đoạn 2018-2022, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra 835 cơ sở xả nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền khoảng 25,7 tỷ đồng.

Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng; lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5m3/ngày đêm trở lên; lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất, nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải là nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải, phần lớn đang xả trực tiếp ra môi trường. 86% nước thải cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý. Hầu hết nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý.

Hệ thống Bắc Hưng Hải tiếp tục xảy ra hiện tượng bồi lắng lòng chảy, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, vứt rác, xả rác, chất thải xuống sông vẫn tái diễn, gây nên ách tắc dòng chảy, nước tồn đọng, không lưu thông.

[Xử lý các hành vi gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải]

Những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải thiếu, do mực nước sông Hồng tại cống Xuân Quan xuống thấp hơn mức thiết kế nên hệ thống Bắc Hưng Hải hoàn toàn chỉ là kênh dẫn lưu chuyển nước thải từ hoạt động dân sinh và công nghiệp trong vùng xả ra, làm cho ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn...

Lãnh đạo các bộ, ngành kiến nghị cần khẩn trương có giải pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đang xả trực tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải; huy động, khuyến khích doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đối với làng nghề, cụm công nghiệp, khu dân cư... theo hình thức hợp tác công tư; rà soát, lồng ghép quy hoạch về hệ thống thu gom, xử lý nước thải vào quy hoạch chung của các địa phương, bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Siết lại hoạt động quản lý 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Quá trình khắc phục ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật của các cấp, ngành; cần có tính liên hợp, liên quan đến hệ thống sông nhánh; vì vậy, cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định thống nhất, không 'đưa lên, đẩy xuống.' Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối. Các biện pháp, giải pháp tiếp cận phải mang tính tổng thể, không giới hạn trong một địa phương," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Không 'đưa lên, đẩy xuống' trong xử lý ô nhiễm môi trường ảnh 2Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tính toán điều chỉnh, lồng ghép, tích hợp đưa hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung vào các quy hoạch chung của tỉnh, thành phố, làm căn cứ để bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư.

Bộ Xây dựng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, nông thôn để bổ sung, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác công-tư trong xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; xác định mức giá dịch vụ xử lý nước thải theo lộ trình tính đúng, tính đủ để bảo đảm lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp bằng ngân sách nhà nước và nguồn thu phí xử lý nước thải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nước thải sau khi xử lý tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ để tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát... yêu cầu tổ chức, cá nhân tuân thủ theo đúng pháp luật bảo vệ môi trường và xác định trách nhiệm khi có vi phạm.

Các địa phương khẩn trương đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng hoặc không đấu nối vào hệ thống chung. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nguồn nước.

Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước phức tạp nhưng công tác quản lý còn lỏng lẻo, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải siết lại hoạt động quản lý theo đúng thẩm quyền, quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phải nắm được toàn bộ các nguồn nước thải cũng như thực tế thu gom, xử lý nước thải, quan trắc chất lượng nước thải trên cả nước thông qua việc hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước thải (loại nhà máy, loại hình nước thải, thành phần, tổng lượng, tình trạng xử lý)...

Từ đó, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung; thu thập, tổng hợp số liệu, có lộ trình thiết lập trạm quan trắc đối với những nguồn nước thải quy mô lớn, có chất thải nguy hại, công khai số liệu quan trắc để các cấp, các ngành và người dân cùng tham gia giám sát. "Những nguồn nước thải có chứa kim loại nặng cần tập trung xử lý quyết liệt, dứt điểm ngay trong năm nay," Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng phương án điều tiết, duy trì dòng chảy của các dòng sông, hệ thống thuỷ lợi một cách linh hoạt, để "các dòng sông tự làm sạch."

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trong các dự án cải tạo, xây dựng mới hạ tầng đô thị, nông thôn sử dụng vốn đầu tư công của các địa phương, trước hết là những tỉnh, thành phố có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục