Nhà làm phim người Iran Asghar Farhadi, đã quyết định không dự lễ trao giải để phản cính sách cấm người nhập cư từ một số quốc gia Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông là người đã chiến thắng ở hạng mục phim nước ngoài xuất sắc nhất cho bộ phim "The Salesman" (tạm dịch: Người bán hàng).
Asghar Farhadi đã cử người đại diện mình là kỹ sư, phi hành gia Anousheh Ansari lên nhận giải thay, và đọc một bài phát biểu để gửi lời xin lỗi vì đã không có mặt.
Farhadi đã quyết định không tới Mỹ tham dự lễ trao giải để phản đối một sắc lệnh do ông Trump đề xuất, trong đó cấm toàn bộ người tị nạn Syria và tạm thời cấm người nhập cư đến từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, trong đó có Iran.
"Sự vắng mặt của tôi xuất phát từ sự tôn trọng tôi dành cho người dân nước tôi và 6 quốc gia khác đã không được tôn trọng bởi luật lệ phi nhân đạo cấm người nhập cư nhập cảnh vào Mỹ," tuyên bố này viết. Bài phát biểu đã nhận được những tràng pháo tay lớn.
Đó là sự phản đối mạnh mẽ, nghiêm túc đầu tiên đối với ông Donald Trump được thể hiện ở lễ trao giải Oscar, và rõ ràng nó đã nhận được sự đồng tình từ phần lớn khán giả.
Sau đó là phát biểu của Gael García Bernal khi giới thiệu các ứng cử viên cho hạng mục phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất. Trong đó, García Bernal đã lên tiếng phản đối "những bức tường," giống như những gì ông Trump có ý định xây dựng trên biên giới dài 2000 dặm với Mexico.
"Các diễn viên bằng xương bằng thịt là những người nhập cư, chúng ta di chuyển khắp thế giới, chúng ta gây dựng những gia đình, xây đắp những câu chuyện, chúng ta xây dựng cuộc sống không thể bị chia cắt," García Bernal nói. "Là một người Mexico, một người Mỹ Latin, là một lao động nhập cư, một con người, tôi phản đối mọi bức tường nào dưới mọi hình thức nhằm chia rẽ chúng ta." Một lần nữa, bài phát biểu lại được hoan nghênh bởi những tiếng vỗ tay.
Trước đó, sự phản đối dành cho ông Trump chủ yếu là đùa cợt. Người dẫn chương trình lễ Oscar năm nay, Jimmy Kimmel, đã bắt đầu bằng việc cảnh báo rằng ông "không phải là người thích hợp" để thống nhất nước Mỹ. Nhưng đã có một tin tốt cho Hollywood, Kimmel nói, và tin tốt đó là nhờ có vị tổng thống mà họ ít ưa nhất mà có.
"Có ai nhớ năm ngoái khi mà giải Oscar dường như là phân biệt chủng tộc không?" Kimmel trêu đùa bằng cách nói giả vô tội đặc trưng của mình.
Đó là một câu đùa tế nhị, nhưng ý nghĩa của nó đã không bị bỏ lỡ bởi đám đông khán giả. Sau đó, Kimmel đã nói rất cụ thể: Đừng ngạc nhiên nếu giải Oscar bị ông Trump chỉ trích.
"Một số người trong số các bạn sẽ chiến thắng và có một bài phát biểu khiến Tổng thống Mỹ phải viết tweet bằng chữ hoa toàn bộ khi đang ngồi trong nhà vệ sinh lúc 5 giờ sáng."
Khi so với những lời đấu khẩu này, việc Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) phân phát những chiếc cài áo có hình dải ruybăng xanh dường như là rất ôn hòa. Tổ chức vì quyền công dân này cho biết ý tưởng là mang lại cho những người được đề cử, người giới thiệu, các nhà làm phim, các nhạc sỹ, giám đốc và khách mời một "cơ hội để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với quyền và sự tự do dân sự được Hiến pháp đảm bảo."
Ruth Negga, nữ diễn viên được đề cử cho giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho phim "Loving," đã đeo một chiếc cài áo này vì ACLU đóng một vai trò chủ chốt trong việc giúp lật ngược lệnh cấm kết hôn giữa 2 người khác chủng tộc ở Virginia, vốn là chủ đề bộ phim của cô.
"Họ đã giúp Richard và Mildred (Loving) thay đổi Hiến pháp nước Mỹ và cuộc chiến đấu vì quyền công dân và tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó," cô nói trên thảm đỏ. "Và thực sự tất cả mọi người đều nên ủng hộ điều đó. Tôi cho rằng các tổ chức từ thiện như vậy hiện là rất quan trọng, họ giống như một cơ quan giám sát, và điều này là quan trọng trong xã hội của chúng ta."
Đạo diễn Barry Jenkins, được đề cử cho phim "Moonlight" đã nhận ra rằng anh đã rơi mất chiếc cài áo ACLU của mình giữa một cuộc phỏng vấn trên thảm đỏ. Anh không biết mình sẽ nói gì nếu chiến thắng, nhưng "Tôi nghĩ rằng nghệ thuật tự thân nó đã mang tính chính trị," và anh ủng hộ bất kỳ nghệ sỹ nào lên tiếng về chính trị trong lễ trao giải.
Sau khi Mahershala Ali giành giải diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai kễ buôn ma túy trong phim "Moonlight," đã có một làn sóng những dòng tweet nhằm vào ông Trump và những nỗ lực của ông để cấm người tị nạn và người nhập cư đến từ các nước chủ yếu là Hồi giáo.
"Người thắng giải Oscar đầu tiên là một người Hồi giáo. Nước Mỹ vốn đã vĩ đại rồi, ông Donald," nhà văn Anand Giridharadas đã đăng trên trang Twitter của mình.
Những lời đả kích ý nhị khác nhằm vào các chính sách của ông Trump bao gồm bài phát biểu của một trong số những người chiến thắng hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc (phim "White Helmets" - tạm dịch: Mũ bảo hiểm trắng), nói về các nỗ lực giải cứu đáng kinh ngạc ở Syria, và người này đã yêu cầu mọi người đứng lên nếu họ ủng hộ người tị nạn Syria và chấm dứt chiến tranh ở đây (tất cả mọi người đều đứng dậy); một người thắng giải đã lên tiếng ủng hộ trường công, và một trong số những người thắng giải kịch bản chuyển thể xuất sắc cho phim Moonlight đã tuyên bố ủng hộ các thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBT.
Trước đó, trong buổi họp báo hàng ngày vào ngày 22/2, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer đã được hỏi vì sao lại có nhiều ngôi sao Hollywood lên tiếng phản đối ông Trump như vậy. Ông cho biết ông không rõ, nhưng Mỹ là một quốc gia tự do. "Tôi nghĩ Hollywood đã có tiếng là cực tả trong các ý kiến của họ," ông nói.
Liệu ông Trump có tweet sau lễ trao giải Oscar không? Tới nửa đêm (giờ địa phương) thì chưa. Có lẽ ông đang quá bận rộn. Ông và đệ nhất phu phân Melania Trump đã tổ chức buổi tiệc hàng năm dành cho các thống đốc tại Nhà Trắng. Đó là buổi tiệc lớn đầu tiên của họ, và luôn trùng với ngày diễn ra lễ trao giải Oscar)./.