Không đổi môi trường lấy tăng trưởng khi ô nhiễm đã đến mức báo động

Theo các tổ chức và chuyên gia về môi trường, nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

30 tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế vừa có thư kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc quy định trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020; trong đó đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc và không lùi thời gian thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) ở Việt Nam.

Không lùi thời điểm đóng góp tái chế

Theo thư kiến nghị, các tổ chức, cá nhân cho biết Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR, trong khi hiện tại, nhu cầu cần phải giảm lượng chất thải phát sinh-tăng tỷ lệ tái chế để giảm các xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng lại vô cùng bức thiết.

Chính vì thế, nhà sản xuất cần phải có trách nhiệm xử lý đối với các sản phẩm, bao bì mình sản xuất, đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa thành phần nguy hại.

“Chúng tôi nhận thấy chất thải ở Việt Nam gia tăng hơn tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng và quản lý trong vòng chưa đầy 15 năm. Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương,” thư kiến nghị nêu rõ.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 4 trong 192 quốc gia được nghiên cứu về lượng chất thải nhựa biển. Lượng nhựa thải không được quản lý lên đến 1,83 triệu tấn/năm, tương ứng với 0,28-0,73 tấn nhựa/năm thải ra biển và 6% tổng lượng nhựa thải ra biển/năm trên toàn thế giới.

[Kiểm soát chặt việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh do COVID-19]

Đáng chú ý, nghiên cứu năm 2020 cho thấy khoảng 3,6 triệu tấn/năm chưa được xử lý tốt (theo IUCN-EA-QUANTIS,2020). Phần rác thải nhựa còn lại tại Việt Nam, nếu không được chôn lấp tại các bãi rác sẽ chôn tại các chôn lấp tự phát, đốt lộ thiên, hoặc vứt xuống ao, hồ, sông, suối. Chỉ riêng trong năm 2018, gần 0,5 triệu tấn rác thải nhựa ở Việt Nam bị rò rỉ ra đại dương…

Từ thực tế trên, các tổ chức cho rằng khi áp dụng chính sách đóng góp tái chế, EPR sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thay đổi thiết kế, buộc họ phải tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì mà họ đã sản xuất. Việc này sẽ làm giảm tổng lượng chất thải phát sinh, giảm chất thải đưa ra các bãi chôn lấp.

Bên cạnh đó, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân cũng cho rằng ngành công nghiệp tái chế cần được đảm bảo để không bị “sụp đổ” do COVID-19. Hoạt động tái chế ở Việt Nam còn hạn chế ở một số loại vật liệu cũng như quy mô tái chế, dễ bị tổn thương do phần lớn chỉ phụ thuộc vào giá thị trường của các vật liệu tái chế.

Đơn cử như ngành tái chế nhựa có thể bị phá sản khi giá dầu giảm sâu và giá nhựa nguyên sinh rẻ hơn nhiều so với nhựa tái chế. Do vậy, Việt Nam cần đảm bảo nhà sản xuất phải thực hiện nghĩa vụ bình đẳng giữa người tiêu dùng trong và ngoài nước, tránh việc Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới do nhập khẩu phế liệu.

Thư kiến nghị cũng khẳng định "không thể hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng khi ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động." Thêm nữa, bài học COVID đã cho chúng ta thấy tác động của dịch bệnh đến sức khỏe con người và nền kinh tế mà chất thải luôn tiềm ẩn mầm bệnh.

"Do đó, nếu Việt Nam không quản lý phù hợp, có thể là nguồn phát sinh những dịch bệnh trong tương tai," thư kiến nghị lưu ý.

Không đổi môi trường lấy tăng trưởng khi ô nhiễm đã đến mức báo động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Từ khi được ghi nhận trong Luật Bảo vệ Môi trường 2005, đã 15 năm EPR liên tục lùi thời gian ban hành văn bản hướng dẫn và lùi thời điểm thi hành. Do đó, các tổ chức gửi thư kiến nghị đề nghị Chính phủ chỉ cân nhắc lùi thời điểm áp dụng EPR với những ngành thực sự gặp khó khăn do COVID-19; đối với các ngành khác, đề nghị áp dụng như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường là từ ngày 1/1/2023.

Tăng tỷ lệ tái chế chất thải bắt buộc

Cũng theo kiến nghị, hiện nay tỷ lệ tái chế nhựa thực tế của Việt Nam chỉ từ 0 đến 16%. Do đó, nếu Nghị định giới hạn tăng không quá 5% cho mỗi 3 năm thì không thể đạt mục tiêu tái chế 85% vào năm 2025 như đã đề ra trong Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Quyết định 491/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Ngoài ra, Quyết định 491/QĐ-TTg cũng hướng tới mục tiêu 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định pháp luật. Với mục tiêu trên, thư kiến nghị cho rằng mức đóng góp tài chính tại dự thảo của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là quá thấp, không tạo được động lực để hỗ trợ xử lý tình trạng thiếu nguồn lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

"Do đó, chúng tôi đề nghị tăng tỷ lệ tái chế tối thiểu bắt buộc để đảm bảo việc thực hiện EPR tuân theo các chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Chúng tôi hiểu rằng tỷ lệ tái chế của Việt Nam không thể cao như các nước phát triển nhưng không nên quy định quá thấp như dự thảo hiện nay. Vì thế, Việt Nam cần quy định tăng mức đóng góp tài chính và có lộ trình điều chỉnh căn cứ theo biến động thị trường thay vì quy định mức cứng như dự thảo,” thư kiến nghị nhấn mạnh.

Cũng theo kiến nghị, nguồn đóng góp tài chính từ EPR phải được chi trả trực tiếp cho tái chế, xử lý chất thải, cụ thể là tăng cường hỗ trợ địa phương xử lý chất thải. Việc EPR tuân theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” sẽ giúp chia sẻ gánh nặng tài chính từ ngân sách công hay người nộp thuế nói chung sang nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và cuối cùng là người tiêu dùng để họ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường không phải là thuế, phí hay lệ phí theo quy định của Luật. Do đó, khoản đóng góp tái chế không nên nhập vào ngân sách chung và chi cho các hoạt động quản lý nhà nước nói chung, mà phải chi cho hoạt động quản lý chất thải.

Ngoài ra, kiến nghị cũng đề xuất quy định rõ vai trò của các tổ chức khoa học ngoài công lập về môi trường và Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong cơ chế EPR (cụ thể là trong Hội đồng EPR) và trong việc thực hiện EPR ở Việt Nam./.

Các tổ chức, cá nhân kiến nghị gồm:

Liên minh không rác Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh, Nhóm nghiên cứu e-Policy, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, Mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam, Trạm ECO Đà Nẵng, Caritas Đà Lạt, The Good Human Vietnam, Câu lạc bộ Môi trường 350 Việt Nam, Hội Phát triển sáng tạo thành phố Đà Nẵng và các chuyên gia môi trường độc lập…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục