Không để “trên rải thảm, dưới rải đinh” với nhà đầu tư ở Gia Lai

Thủ tướng yêu cầu Gia Lai phấn đấu trở thành một chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và chia sẻ mọi thành công, thất của doanh nghiệp.
Không để “trên rải thảm, dưới rải đinh” với nhà đầu tư ở Gia Lai ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tỉnh nhà mới khởi sắc, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai tổ chức sáng 18/12 tại thành phố Pleiku là cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là một “thảm đỏ” cơ chế chính sách thông thoáng của địa phương thủ phủ Tây Nguyên này dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu trước khoảng 400 nhà đầu tư trong và ngoài nước có mặt tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Gia Lai phấn đấu trở thành một chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và chia sẻ mọi thành công cũng như thất bại của doanh nghiệp.

Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển, thế nhưng thu hút đầu tư của tỉnh còn rất hạn chế. Đến nay, tỉnh mới có 5 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn khiêm tốn là 12 triệu USD, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 47 cả nước.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai khẳng định nỗ lực thực hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thành công-xem sự thành công của doanh nghiệp là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại Gia Lai giai đoạn 2016-2018 gồm hàng chục dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến nông-lâm sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; công nghiệp năng lượng; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch...

Được tổ chức với những phiên đối thoại chính sách cởi mở giữa các chuyên gia kinh tế, các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư với lãnh đạo địa phương, hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ và tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp; cùng với đó là hoàn thiện chính sách đất đai.

Đánh giá cao tinh thần quyết tâm, sự chủ động, sáng tạo của Gia Lai trong nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư đến với địa phương, Thủ tướng cho rằng sự có mặt của gần 400 nhà đầu tư trong và ngoài nước tại hội nghị lần này đã thể hiện sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với tiềm năng phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh tại Gia Lai.

Nêu bật những lợi thế so sánh của vùng đất đai phì nhiều, là tỉnh có diện tích rộng thứ hai cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh, Gia Lai có lợi thế to lớn để phát triển. Đó là có diện tích đất bazan lớn có thể phát triển các loại cây công nghiệp; là trung tâm của vùng tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng - kiệt tác văn hóa truyền khẩu và phi vật thể nhân loại rất thuận lợi để khai thác phát triển du lịch.

Lãnh đạo chính quyền Gia Lai cũng có quyết tâm đổi mới sáng tạo, hướng về phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn đã khởi nghiệp và kinh doanh thành công ở Gia Lai những năm vừa qua là minh chứng cụ thể cho tiềm năng của vùng đất cao nguyên tươi đẹp này.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn tại đây, trong đó có Gia Lai. Ngoài việc quy hoạch phát triển nguồn nước, Chính phủ cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn nâng cấp các tuyến quốc lộ quan trọng kết nối Gia Lai với các vùng kinh tế quan trọng của đất nước như Quốc lộ 19, Đường Phú Yên – Gia Lai, Đường Hồ Chí Minh, cảng hàng không… để mở rộng giao thương ở khu vực này.

Tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một cơ chế ưu đãi hơn để khuyến khích các nhà đầu tư theo hướng giảm chi phí đầu tư tại Gia Lai và Tây Nguyên. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cũng sẽ làm tốt chiến lược kết nối tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam và giữ gìn tốt an ninh trật tự để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế để một số sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên có đầu ra ổn định. Chính phủ cũng sẽ cho phép nghiên cứu hình thành một số khu du lịch quốc gia tại Gia Lai, tổ chức các festival, giúp Gia Lai đi bằng cả ‘ba chân’ là nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch dịch vụ.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai cần có quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng thế mạnh đặc thù, lợi thế và liên kết vùng. Trong đó có quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các loại cây trồng, các khu du lịch nổi tiếng. Tỉnh phải có chiến lược phát triển du lịch tầm, xác định rõ phân khúc thị trường. Coi nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao và thương hiệu mạnh là thế mạnh của Gia Lai. Cùng với đó tỉnh cần chú ý đẩy mạnh công nghiệp chế biến hơn nữa, trong đó có càphê. Tỉnh có có gần 100.000ha nhưng lại thiếu thương hiệu càphê nổi tiếng.

Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền Gia Lai phải phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại với doanh nghiệp, có tư duy đổi mới sáng tạo, chủ động đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều phải trải thảm mời doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh" mới có thể phát triển được, Thủ tướng nhắc nhở. 

“Chính quyền cũng phải ba cùng là cùng lo, cùng làm và cùng chia sẻ thất bại và thành công với doanh nghiệp, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Chính quyền phải tôn vinh động viên người làm tốt, những doanh nghiệp dám nghĩ dám làm,” Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng cũng đề nghị Gia Lai đưa ra những cam kết cụ thể hơn với nhà đầu tư về điện, nước, cơ sở hạ tầng; tạo môi trường tốt để phát triển doanh nghiệp, trong đó 5 năm tới phải tăng gấp đôi số doanh nghiệp so với hiện nay, lên con số 7.000. “nhiều khi chỉ một lời động viên, một lời chia sẻ cũng là niềm khích lệ lớn đối với nhà đầu tư,” Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng mong muốn địa phương phải chủ động nguồn nhân lực tốt cả số lượng và chất lượng, theo tinh thần 4 phương về làm việc ở Gia Lai. Do đó phải coi trọng đào tạo, nhất là đào tạo người dân địa phương. Đi cùng với đó là đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo để nâng cao dân trí, đóng góp vào sự phát triển. Tỉnh cũng cần giữ gìn văn hóa đặc sắc của địa phương, ngoài chữ viết và tiếng nói là y phục, nhà rông, ẩm thực.

Trao đổi thẳng thắn với các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu làm ăn lâu dài tại Gia Lai, đồng thời lưu ý doanh nghiệp đầu tư nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ một số dự án đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện giao thông, du lịch...

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn kết, phố núi Pleiku. Bức tượng Bác Hồ được đặt tại đây có chiều cao khoảng 10,8m, đứng trên bệ bêtông ốp đá xanh cao 4,5m, trọng lượng khoảng 16 tấn. Tượng được làm bằng đồng nguyên chất, khung xương được làm bằng thép không gỉ và được coi là tượng đúc Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục