Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có nhiều chỉ đạo về hoạt động vận tải của lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không nhằm đảm bảo giao thương, phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong năm tháng đầu năm nay, sản lượng thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 304 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu ước hơn 78 triệu tấn, tăng 1%. Hàng nhập khẩu đạt hơn 85 triệu tấn, giảm 10%; hàng nội địa đạt hơn 140 triệu tấn, tăng 8%.
Liên quan đến lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phải hết sức quan tâm đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển, kiểm soát chặt chẽ giá, phí.
“Cục Hàng hải phải có kế hoạch kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình giá cước, không để tình trạng giá vận chuyển leo thang làm giảm lượng hàng hóa, ảnh hưởng đến quá trình giao thương, phát triển kinh tế,” Bộ trưởng lưu ý.
Đối với vận tải đường bộ, Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu Vụ Vận tải phải cần phối hợp xây dựng các giải pháp, phương án khắc phục hạ tầng do ảnh hưởng của thời tiết, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt nhất là mùa mưa bão sắp đến, nguy cơ mất an toàn giao thông gia tăng.
Trong bối cảnh vận tải bùng lại sau dịch COVID-19, theo Bộ trưởng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phải phối hợp với Bộ Công an ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý nhà nước về vận tải, đặc biệt tại các bến xe, đầu mối cung cấp vật liệu.
“Các trường hợp vận chuyển hàng hóa quá tải, phải nghiên cứu xem cần đề xuất tăng hình thức xử phạt thế nào? Chỉ cho phép vượt tải bao nhiêu? Nếu vượt tải thì tịch thu luôn phương tiện để tạo sự răn đe được không?” Bộ trưởng đặt vấn đề.
[Giá xăng dầu tăng ‘nhảy vọt’ đã tác động đến cước vận tải ra sao?]
Về hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết thị trường vận tải hành khách qua các cảng hàng không trong tháng 5/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước. Các chuyến bay quá cảnh hiện nay cũng thấp hơn so với năm trước.
“Thị trường hàng không nội địa hiện đã phục hồi ngang bằng so với trước dịch, dự đoán sẽ tăng trưởng hơn so với năm 2019 (thời điểm trước dịch) khi bước vào cao điểm hè tháng Sáu,” ông Thắng thông tin thêm.
Đánh giá riêng thị trường hàng không quốc tế vẫn chưa khôi phục như mong muốn, ông Thắng tiết lộ, hiện vẫn còn 7 nước chưa mở cửa lại để nối các chuyến bay quốc tế. Dự kiến, trong tháng 6/2022 sẽ mở lại đường bay đến Ấn Độ. Cục Hàng không đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phát động thị trường, thu hút khách đi các chuyến bay đến thị trường này.
Mặt khác, Cục Hàng không Việt Nam đang nghiên cứu đề án xã hội hóa tại Cảng hàng không Chu Lai cũng như các cảng hàng không khác, Luật Đầu tư công, Luật Hàng không dân dụng.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cần hết sức tập trung cho dự án xã hội hóa đầu tư các cảng hàng không, nghiên cứu kỹ lưỡng, có những báo cáo chuyên đề gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp làm thế nào để thực hiện được việc này.
Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu cần rà soát, xác định các nhóm cảng hàng không để phân cấp quản lý về địa phương, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hay các doanh nghiệp tư nhân như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... sao cho hợp lý./.