Không để tiềm năng, thế mạnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô bị 'lãng quên'

Thường Tín nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố với rất nhiều lợi thế về giao thông, đồng thời là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.
Không để tiềm năng, thế mạnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô bị 'lãng quên' ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri huyện Thường Tín. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 25/6, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì làm việc với Huyện ủy Thường Tín về thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa... trên địa bàn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá, lãnh đạo huyện Thường Tín và các sở, ngành đã có nhiều ý kiến sâu sát, tâm huyết, nêu đúng thực trạng về phát triển tổng thể trên địa bàn. Đây là huyện ở cửa ngõ phía Nam thành phố với rất nhiều lợi thế về giao thông, nằm trên trục đường Quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, có nhiều con sông lớn chảy qua.

Thường Tín cũng là đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử; có 126 di tích cấp quốc gia, thành phố và 48 làng nghề truyền thống. Thời gian qua, huyện có tốc độ phát triển khá nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện xuất hiện 2 ổ dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng. Phần lớn các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế của huyện đều tăng trưởng âm. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của huyện cần phải sớm tìm giải pháp để vươn lên: phát triển đồng đều nhưng chưa có sự bứt phá, nổi bật; quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập thấp; thu ngân sách chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế; chuyển dịch lao động còn chậm.

Huyện vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng đất đai, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt thấp (36%), tỷ lệ đô thị hóa ở mức rất thấp với 2,8%, chỉ đạt 1/10 kế hoạch đề ra.

Với những yếu kém, bất cập trên, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ đạo, thời gian tới Thường Tín cần đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện những phương hướng, giải pháp lớn mang tính đột phá. Đồng chí cho rằng, trước mắt huyện cần tháo gỡ những vấn đề vẫn còn vướng mắc cả về cơ chế lẫn điều hành, chỉ đạo.

Huyện cần nghiên cứu tận dụng đường gom của cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ để phát triển đô thị; xác định trục phát triển chính phía Nam là Phú Xuyên-Thường Tín để thu hút các dự án, các công trình lớn, trường đại học, bệnh viện.

Bên cạnh đó, huyện mở hướng kết nối với các tỉnh thành từ Hà Nam đến Thanh Hóa; đồng thời phát huy thế mạnh các làng nghề để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với tiêu thụ sản phẩm...

Bí thư Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các sở, ngành cần đặc biệt quan tâm đề xuất các cơ chế, chính sách thuận lợi cho huyện Thường Tín nói riêng, các huyện trong trục kết nối nói chung, không để tiềm năng cửa ngõ phía Nam bị "lãng quên".

Tại cuộc làm việc, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đánh giá tiến độ và chất lượng đại hội Đảng bộ các cấp ở huyện Thường Tín đạt yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các chỉ tiêu mà huyện đề ra chưa mang tính đột phá.

Huyện chú trọng nêu tình hình, định hướng trong giai đoạn tới mà chưa chú trọng các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, mang tính khả thi và đột phá. Trong khi đó, huyện Thường Tín có lợi thế hiếm nơi nào có được với 48 làng nghề, do đó cần có nhiều cách làm sáng tạo để phát triển trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị, huyện Thường Tín cần quan tâm hơn tới việc phát triển làng nghề, những cụm công nghiệp đã được quy hoạch để vừa bảo vệ môi trường, quản lý tốt chất thải và hướng đến xuất khẩu sản phẩm ổn định ra các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, huyện cũng cần kết hợp song hành phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề, để du khách biết nhiều đến thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của huyện Thường Tín, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng với diện tích 100 km2, dân số 257 ngàn người, huyện Thường Tín có nhiều nguồn lực, nhất là đất đai để thu hút các nhà đầu tư, các dự án lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua, huyện cũng như thành phố chưa quy hoạch được hướng phát triển mũi nhọn và điểm nhấn cho Thường Tín. Nếu tiếp tục theo đà này, huyện dễ tụt hậu so với mặt bằng chung.

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế lớn của huyện đều không đạt kế hoạch đề ra.

Trong đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước đạt 8.155 tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch năm, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ ước đạt trên 6.000 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 875 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Về phương hướng thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh, huyện sẽ tận dụng sự thuận lợi giao thông để phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa; phát triển nông thôn mới tiệm cận với đô thị; xây dựng 10 điểm du lịch gắn với làng nghề, di tích, nông nghiệp sạch... ./.

Không để tiềm năng, thế mạnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô bị 'lãng quên' ảnh 2Một hộ nông dân xã Thư Phú, huyện Thường Tín (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục