Ngày 21/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ y tế đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống lao thời gian qua; đồng thời gửi lời cám ơn đến các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ thuốc chống lao cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện nay trên 70% số người mắc bệnh lao là nông dân. Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng, đoàn thể, cơ quan Nhà nước chủ trì các chương trình có liên quan đến nông thôn, người dân nghèo, cần coi nội dung phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ quan trọng.
Theo ông Đam, để công tác phòng, chống lao thời gian tới đạt kết quả, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt phải làm tốt công tác điều tra xác định chuẩn xác về số người mắc bệnh lao để theo dõi và điều trị ngay, tránh lây nhiễm sang cộng đồng.
"Đối với bệnh lao phải bằng mọi cách không để thiếu thuốc điều trị, trong trường hợp cần thiết cần phải mua để chữa miễn phí cho bệnh nhân. Tại địa phương, y tế cơ sở, các tình nguyện viên cần quan tâm, theo dõi, động viên, nhắc nhở người bệnh uống thuốc và điều trị đúng phác đồ," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/3 vừa qua. Theo đó, công tác phòng, chống lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt; phòng, chống lao chủ yếu dựa vào cộng đồng và được thực hiện bởi mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi từ Trung ương đến địa phương, phối hợp với các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Mục tiêu của Chiến lược là phấn đấu đến hết năm 2020 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100.000 dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 dân và khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người mắc lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030 là hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra nhiều giải pháp như rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống bệnh lao; nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác phòng, chống bệnh lao.
Đồng thời, chiến lược này cũng đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao; tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, cung ứng thuốc chữa bệnh lao và hậu cần kỹ thuật phù hợp cho công tác phòng, chống bệnh lao kịp thời.
Bên cạnh đó, Chương trình chống lao quốc gia hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực và thế giới để cùng giải quyết vấn đề phát hiện, điều trị và lan truyền bệnh lao qua biên giới cũng như các đối tượng di biến.../.