Không để người tiêu dùng bị hiểu lầm, trục lợi từ thực phẩm chức năng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kêu gọi các nhà khoa học, các doanh nghiệp công bố kết quả nghiên cứu khoa học về các sản phẩm thực phẩm chức năng để người tiêu dùng không bị hiểu lầm.
Thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng bị thu giữ tại Hà Nội. Ảnh minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 22/11, tiến sỹ Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi các nhà khoa học, các doanh nghiệp công bố kết quả nghiên cứu khoa học về các sản phẩm thực phẩm chức năng để cơ quan chức năng quản lý việc quảng cáo đúng chức năng, công dụng của sản phẩm, tránh tình trạng quảng cáo vượt quá tác dụng thực tế của sản phẩm, gây hiểu lầm cho người dùng và sử dụng sai mục đích, tốn kém và làm mất cơ hội điều trị.

Phát biểu tại Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần 2 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết việc Bộ Y tế ban hành và tham mưu Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quản lý và tăng cường các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ Y tế trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an toàn thị trường thực phẩm chức năng, bảo vệ các cơ sở sản xuất chân chính.

[Video] Thu giữ hàng ngàn sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc

Quan điểm của Bộ Y tế là luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng phát triển trên cơ sở kiến tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng cũng hài hòa với các quy định quốc tế, đặc biệt là quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Và trong thời gian tới, công tác quản lý cũng cần hướng tới mục tiêu xây dựng ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế-y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thời gian qua, các sản phẩm chức năng tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều, được bán ở rất nhiều nơi làm cho thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Cùng với đó, nhiều vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cũng xuất hiện như quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật, sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan nhà nước…

Thực phẩm chức năng là khái niệm tương đối rộng, có khả năng bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi. Do đó, để định hướng người tiêu dùng Việt Nam sử dụng đúng sản phẩm, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như Nghị định 43/2917/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, Luật Dược 2016...

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Thực phẩm chức năng bắt đầu được nghiên cứu, đầu tư phát triển tại Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ trước. Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, kết hợp với các viện nghiên cứu, nhà trường, các nhà khoa học để đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm chức năng chất lượng cao, hiệu quả tốt. Việt Nam hiện có gần 2.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có trên 70% được sản xuất trong nước. Một số sản phẩm thực phẩm chức năng của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài.

Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản quản lý lĩnh vực cũng như các mặt hàng này. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, đa số các doanh chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn có sai phạm.

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết Cục tiếp tục triển khai mạnh công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm sai phạm, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo và công bố công khai những vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ 1/7/2019, Cục yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng phải đảm bảo quy chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP, trước khi đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm chức năng phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo đúng quy định.

Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần 2 diễn ra trong 1 ngày với 15 bài báo cáo của các diễn giả, tập trung vào 3 nội dung chính: Quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng; quá trình hình thành, phát triển và hội nhập quốc tế trong quản lý thực phẩm chức năng; các nghiên cứu chuyên đề về thực phẩm chức năng. Tham dự sự kiện có hơn 300 đại biểu đến từ các ban, ngành, cơ quan Quốc hội và Chính phủ, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong, ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục