Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đe dọa làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song cả hai bên đều chưa có biện pháp để chấm dứt xung đột ngày càng leo thang hiện nay.
Giáo sư Jenik Radon thuộc trường Quan hệ quốc tế, Đại học Columbia, New York, kiêm Luật sư, Giám đốc sáng tạo công ty luật Radon, chuyên tư vấn cho nhiều chính phủ và các tập đoàn nước ngoài đã có đánh giá riêng về vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Mỹ.
Giáo sư Radon, người vừa tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 tại Papue New Guinea, cho biết hiện cả Mỹ và Trung Quốc đang tận dụng các diễn đàn đa phương để thể hiện quan điểm cứng rắn của mình trong vấn đề tranh chấp thương mại.
Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC nói trên, bài phát biểu của đại diện của hai nước đều không mang tính hòa giải để cùng nhau giải quyết các vấn đề.
[Không thỏa hiệp với Trung Quốc - Cách tốt nhất đối với Mỹ?]
Tuy nhiên, giáo sư Radon không nghĩ sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc dù rằng những mâu thuẫn hiện tại giữa hai nước sẽ còn gia tăng với rất nhiều sóng gió.
Theo nhận định của giáo sư Radon, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cho rằng đây lại cơ hội hưởng lợi của Việt Nam bởi việc Mỹ đánh thuế cao đối với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc - công xưởng của thế giới và là nước xuất khẩu lớn trong 20 năm qua, sẽ buộc các nhà sản xuất tìm kiếm các nước khác để di chuyển công xưởng.
Tuy nhiên, ông khẳng định quá trình đảo lộn này này diễn ra trong dài hạn và ở thời điểm hiện tại, tranh chấp thương mại giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực, khiến kinh tế thế giới thụt lùi.
Giáo sư Jenik Radon khẳng định Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 30/11-1/12 tại Argentina cũng sẽ tập trung thảo luận về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng ông cho rằng Washington và Bắc Kinh sẽ có thái độ điềm đạm và mang tính hòa giải hơn, cho dù hai bên không thể giải quyết được tất cả các bất đồng.
Ngoài vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giáo sư Radon cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ thảo luận về vấn đề bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ, vấn đề thuế suất,...
Theo ông, đây đều là chủ đề mà các nước tham dự quan tâm, nhưng lại là những vấn đề khó có thể giải quyết ngay.
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra chính sách thuế đối đầu, dư luận chờ đợi xem liệu các nhà lãnh đạo G20 có thể ra được tuyên bố chung sau hội nghị hay không.
Nếu Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới không đưa ra tuyên bố chung lần đầu tiên kể từ khi hội nghị này được bắt đầu năm 2008, điều này sẽ dấy lên hoài nghi về khả năng tìm ra lập trường chung của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC nhóm họp tại Papua New Guinea giữa tháng 11 cũng không thể đưa ra được tuyên bố chung, lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm của diễn đàn này, xuất phát từ bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan tới các vấn đề thương mại./.