"Không có ngày 8/3 thì chúng tôi vẫn là phụ nữ"

Không phải ai cũng cho rằng, có quà vào ngày quốc tế phụ nữ 8/3 mới là được quan tâm, bởi với họ hạnh phúc không phải là hình thức.
Trong những ngày 7 và 8/3 tại các cơ quan, công sở, tổ chức xã hội đâu đâu những người phục nữ được giới mày râu tôn vinh. 

Tuy nhiên, trong xã hội một bộ phận dân cư sống và làm việc tự do thì những khái niệm về “ngày 8/3” dường như không xuất hiện trong đầu.

Tặng hoa là “có vấn đề”!


Cô Thu ở Yên Khánh, Ninh Bình kể cho chúng tôi, năm nào ngày 8/3, xã cũng tổ chức míttinh chào mừng. Tuy nhiên, ngoài buổi đó chị em phụ nữ ở xã cô chẳng ai nhận được món quà gì từ phía những người chồng, người con cũng như từ bạn bè.

“Kể ra có được một lời chức mừng thì cũng vui nhưng ở quê chúng tôi chẳng mấy ai để ý đến điều đó. Xã cũng có tổ chức míttinh, chúng tôi ra đó hát hò nhưng các ông chồng vẫn chễm chệ ở nhà hoặc cong lưng trên thửa ruộng một cách vô can,” cô Thu nói.

Mặc dù vậy, khi đánh giá về thái độ phớt lờ ngày 8/3 của những đức ông chồng, cô Thu vẫn cho rằng không phải là vì chồng không quan tâm, yêu thương, chẳng qua ở nông thôn, những khái niệm về sinh nhật, ngày lễ vẫn còn xa xôi.

“Tôi chẳng thấy gì là buồn cả, hơn nữa nếu như ngày 8/3, bỗng dưng ông chồng tặng tôi một món quà thì chắc chắn chỉ ngày mai cả xã sẽ biết tin này, đi đến đâu mọi người cũng sẽ hỏi, sẽ trêu tôi. Nên không được tặng hoa, chúng tôi vẫn là phụ nữ,” cô Thu thành thật.

Thông cảm cho chồng, con chỉ là một lý do, nhưng sâu xa hơn nhiều người phụ nữ vẫn cho rằng bản năng của giới mình là đức tính hy sinh, không cần thiết phải đòi hỏi những thứ hào nhoáng, xa hoa.

Khi được hỏi, có bao giờ chị được chồng tặng quà hay đưa đi chơi vào ngày 8/3, chị Nguyễn Bạch Tuyết, Tây Hồ, Hà Nội ngượng nghịu: “Vớ vẩn, ngày nào chẳng là ngày. Tự dưng bày đặt quan tâm nhau các con nó cười cho. Chị chỉ cần anh ấy biết nghĩ đến gia đình không bị cuốn vào những thói hư tật xấu là được.”

Hai vợ chồng chị Tuyết năm nay mới 40 tuổi và cũng là những người buôn bán giàu có. Trong đời sống, mọi tiến bộ công nghệ đều được họ say sưa mua sắm và sử dụng, nhưng cả hai người vẫn giữ thái độ khá cổ điển, cho rằng tặng quà hay nói những lời chúc tụng với nhau là khách sáo.

Làn gió mới


“Nhớ ngày 8/3 năm ngoái, cô em dâu về bỏ ăn, giận dỗi với chồng vì quên tặng hoa vào quốc tế phụ nữ, cả nhà tôi buồn cười và có phần ngạc nhiên,” chị Ngô Thị Thảo, Long Biên, Hà Nội bô bô bình luận câu chuyện với mấy người cùng bán hàng rau tại chợ.

Chị Thảo cho biết, chị không thể hiểu nổi tại sao lại có những thứ đòi khỏi khách sáo như thế. Những ngày này, hoa thì đắt tội gì mà phải mua một bông hoa mất mấy chục nghìn đồng, tốn cả ngày đi chợ.

Lấy chồng và ở chung với gia đình chồng hơn chục năm nay, chưa bao giờ chị thấy những người đàn ông trong gia đình như bố chồng, chồng hay em trai chồng tặng hoa hay quà cho chị và mẹ chồng trong những ngày dành cho phụ nữ. Song, cả ba người đàn ông này đều hay lam, hay làm và sống hiền hòa vì vậy gia đình chị không những vui vẻ, yên ấm mà còn thuộc vào hàng khá giả trong xóm.

Nhưng khi cô em dâu, một công chức nhà nước xuất hiện trong gia đình, thì phong trào đòi quyền lợi phụ nữ bắt đầu dấy lên. Đầu tiên là không quan tâm tặng hoa phụ nữ ngày 8/3, tiếp đến là phụ nữ nấu cơm thì đàn ông phải rửa bát. Trong lúc phụ nữ cho con ăn, người đàn ông không nên ngồi xem tivi mà hãy đi giặt quần áo cho vợ...

Ban đầu, chị Thảo quan niệm những yêu sách của cô em dâu với chồng như là thói đỏng đảnh của những phụ nữ trẻ. Nhưng sau, thấy cậu em chồng cũng thay đổi dần, hai vợ chồng họ vui vẻ đỡ đần nhau việc nhà, đôi lúc chị cũng thấy chạnh lòng.

“Khéo mình cũng phải đấu tranh thôi, đi chợ cả ngày mệt mỏi, tối về lại lao vào cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi dạy con học, trong khi chồng cứ nhàn tênh. Mà mình thấy mẹ chồng cũng có dấu hiệu thay đổi. Hôm trước bà ý nhị nhắc ông, dạo này tôi thấy mệt mà thằng cu cháu nghịch quá, hay ông bớt đi ra ngoài đọc báo ở nhà giúp tôi cơm nước nhé,” chị Thảo tâm sự.

Có một làn gió mới thì ai cũng thích, nhưng đối với nhiều người sự yêu thương, chăm sóc và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình vẫn là điều quan trọng, không nhất thiết phải chạy theo những hình thức bên ngoài.

Như lời tâm sự của chị Hương Giang, Cầu Giấy, “Ngày 8/3 hay cả sinh nhật mình, tôi không bao giờ đợi chồng con tặng quà, thay vào đó tôi làm một bữa liên hoan nhỏ, cả nhà cùng ăn uống vui vẻ. Thế là hạnh phúc rồi!”./.

Hạnh Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục