Trong một công trình nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay công bố ngày 4/3, các nhà khoa học ở Đan Mạch đã chứng minh được rằng không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa vắcxin phòng các bệnh quai bị, sởi và rubella (MMR) với sự phát triển của chứng tự kỷ.
Nghiên cứu trên một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong lý thuyết do một nhóm nhỏ những người có tư tưởng hoài nghi việc sử dụng vắcxin dựng lên và trong nhiều trường hợp lợi dụng chúng để thay đổi chính sách của chính phủ và các hãng dược phẩm.
Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt vấn nạn "do dự tiêm vắcxin" vào danh sách 10 nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Trên thực tế, vào năm 2018, sự bùng phát dịch sởi trên diện rộng một phần là do phong trào phản đối vắcxin.
Tuần trước, báo The Guardian của Anh cho biết nhóm những người hoài nghi về tác dụng của vắcxin thường sử dụng mạng xã hội Facebook để cổ súy chiến dịch phản đối nhằm vào các quan chức y tế và những người ủng hộ sử dụng vắcxin.
Việc sử dụng vắcxin đã bị đặt nhiều dấu hỏi sau khi một nghiên cứu được công bố vào năm 1998 trên tạp chí The Lancet cho thấy có mối liên hệ giữa MMR với chứng tự kỷ.
[WHO cảnh báo xu hướng bệnh sởi gia tăng trên toàn thế giới]
Mặc dù nghiên cứu đã bị rút lại sau khi phát hiện ra rằng một số yếu tố của bài báo không chính xác, song nhiều người đã cố tình phớt lờ điều này và khẳng định vắcxin vẫn tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe của người dân.
Theo WHO, vắcxin là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Ước tính việc tiêm vắcxin đã giúp ngăn chặn 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm và sẽ có thêm 1,5 triệu người nữa phòng ngừa được bệnh dịch nếu phạm vi tiêm chủng trên toàn cầu được mở rộng./.