Mặc dù Singapore là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ một nước thu nhập trung bình thành một nước thu nhập cao, nhưng Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore-ông Lim Hng Kiang, cảnh báo rằng không có gì đảm bảo đảo quốc này sẽ duy trì được thành quả nếu đi vào “vết xe đổ” quản lý yếu kém.
Bài học “nhãn tiền” Hy Lạp
Theo các kênh Today và Channel News Asia, phát biểu tại một cuộc đối thoại với người dân ngày 1/2/2015, ông Lim nói: “Không phải dễ dàng để trở thành một nước có thu nhập cao và cũng không phải dễ dàng để duy trì nó. Có rất nhiều cạnh tranh và nếu chính phủ quản lý dở, thành quả có thể tiêu tan nhanh chóng.”
Trích dẫn một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2011, ông Lim Hng Kiang lưu ý rằng Hy Lạp, như Singapore, là một trong số 13 quốc gia hoàn thành việc chuyển đổi từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao, đã bị “sụp đổ” do sự yếu kém trong quản lý nhà nước.
Chính vì vậy, mặc dù đưa ra những dự báo sáng sủa về triển vọng kinh tế trong vòng hai năm tới, nhưng ông Lim Hng Kiang cho rằng Singapore vẫn cần phải thận trọng. Đảo quốc Sư tử hiện đang phải đối mặt với một số thách thức, đó là tình trạng dân số già và các chính sách phát triển để phù hợp với nguyện vọng của người dân Singapore.
Bên cạnh đó, ông Lim cũng cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương (SMEs) có tiềm năng để đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Singapore. Hiện tại, các doanh nghiệp SME sử dụng khoảng 80% lực lượng lao động, nhưng chỉ đóng góp 25% tăng trưởng GDP.
Do đó, một số sáng kiến để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương nâng cao tính cạnh tranh đã được triển khai, đó là tăng cương sự phố hợp với các cơ quan nghiên cứu A*STAR, nơi sẽ cung cấp các công nghệ mới và những nghiên cứu chuyên môn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, chính phủ cũng đưa ra nhưng ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp lớn làm ăn với các doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn bằng cách trở thành các nhà cung cấp hoặc các nhà thầu phụ…
Ngoài ra, còn có cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp nhỏ địa phương và các công ty nước ngoài muốn dấn thân vào thị trường mà họ chưa thông thuộc, chẳng hạn như ở châu Á, ông Lim nói.
"Chúng tôi rất quan tâm tới cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là nơi mà các công ty phát triển và hy vọng sẽ mở rộng để trở thành những công ty lớn hơn," ông nói.
Ông Lim cũng ghi nhận sự gia tăng của thương mại điện tử như là một nền tảng cho việc các doanh nghiệp mở rộng hoạt động ra bên ngoài Singapore và trong khu vực, mà điển hình là việc Hiệp hội các nhà sản xuất thực phẩm của Singapore liên doanh đầu tư sang Trung Quốc thông qua kết nối thương mại điện tử…
“Thế nhưng điều đó cũng có nghĩa là các công ty nước ngoài sẽ nắm bắt cơ hội để chiếm lĩnh thị phần nội địa. Do vậy, các cơ quan chức năng Singapore đang làm việc với các hiệp hội bán lẻ trong nước nhằm tận dụng tốt hơn các công nghệ và các không gian trực tuyến,” ông nói.
Cùng với việc những nguồn vốn đầu tư vẫn đang đổ vào Singapore trong khi các doanh nghiệp địa phương mở rộng đầu tư nước ngoài, ông Lim tin tưởng rằng đất nước sẽ có thể duy trì tăng trưởng ổn định từ 2-4%.
Tuy nhiên, ông Lim cũng cảnh báo rằng có thể có một số những thăng trầm, trong đó một thách thức là sự suy thoái ở châu Âu, Trung Quốc và các chính sách kinh tế mới của Nhật Bản.
“Nhân lực là nguồn lực duy nhất và tốt nhất mà chúng tôi có”
Chính vì vậy, trong khi Singapore vẫn tạo ra nhiều công ăn việc làm đồng thời duy trì một quỹ đạo tăng trưởng kinh tế vừa phải hơn, ông Lim cho biết việc nâng cao tỷ lệ tham gia lao động không phải là một giải pháp lâu dài của chính phủ. Thay vào đó, cơ cấu lại nền kinh tế để tạo ra công ăn việc làm phù hợp với nguyện vọng của tất cả người dân Singapore dựa trên một nền tảng giáo dục tốt hơn sẽ là chìa khóa.
"Chiến lược của chúng tôi là, với sự gia tăng mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư, chúng tôi đang tạo ra công ăn việc làm tốt, nhưng cùng một lúc, chúng tôi phải cơ cấu lại sao cho việc bố trí và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với trình độ công nghệ và tăng năng suất, "ông nói.
Ông Lim trích dẫn rằng nếu như năm 1966, chỉ có 50% dân số của Singapore phổ cập trình độ tiểu học thì hiện nay, con số này đã thay đổi rất nhiều. Hơn 50% người ở độ tuổi dưới 30 tuổi và vào lực lượng lao động hiện nay đã tốt nghiệp đại học; 30% là sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật, chỉ có từ 15-20% lao động có trình độ tiểu học hay trung học.
Ông Lim khẳng định nhân lực là nguồn lực tốt nhất và duy nhất mà Singapore có. “Các nguồn lực khác, như đất đai và năng lượng, sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn. Nếu bạn nhìn vào những gì chúng tôi đã đạt được trong 50 năm qua và nhìn về phía trước 50 năm tới, với sự lạc quan, chúng tôi tin rằng có thể làm nhiều hơn nữa." ông Lim nói./.