Không có dấu hiệu vỏ lò phản ứng số 3 hỏng nặng

Nhật Bản khẳng định không có dấu hiệu cho thấy vỏ bọc lò phản ứng hạt nhân số 3 tại nhà máy Fukushima số 1 bị hư hại nặng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano ngày 16/3 khẳng định không có dấu hiệu cho thấy vỏ bọc lò phản ứng hạt nhân số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị hư hại nặng, sau khi các chuyên gia đã đánh giá kỹ tình hình tại đây.

Trước đó, một cột khói bốc lên ở gần lò phản ứng này khiến giới chuyên môn lo ngại rằng vỏ bọc lò này có thể đã bị ảnh hưởng giống như tình trạng tại lò phản ứng số 2.

Căn cứ vào các chỉ số phóng xạ ghi nhận được tại vỏ bọc lò phản ứng số 3 và khu vực xung quanh, các chuyên gia cho rằng khói đã bốc lên từ bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại đây.

Cũng trong ngày 16/3, Cơ quan đối phó thảm họa của Chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát dùng xe vòi rồng đặc chủng để phun nước làm mát một bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 tại nhà máy Fukushima số 1. Nhiệt độ tại đây đang tăng cao bất thường sau các vụ cháy liên tục từ ngày 15/3.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho rằng nếu tình trạng trên kéo dài, nhiên liệu hạt nhân sẽ bị tan chảy và dẫn tới nguy cơ nổ khí hydro cao.

Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã được lệnh dùng máy bay đổ nước từ trên không để làm mát lò phản ứng số 4. Tuy nhiên, phương án này sau đó đã bị hủy bỏ do khoảng cách từ bể chứa tới phần mái bị hỏng cách nhau hàng chục mét và lượng nước mà trực thăng có thể chứa là hạn chế.

Trong khi đó, Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (ASN) cảnh báo bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phản ứng số 4 là "mối lo ngại chính" trong sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Theo ASN, không giống các thanh nhiên liệu sử dụng bên trong lò phản ứng, các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng không nằm trong lớp vỏ bê tông-thép, được thiết kế để ngăn rò rỉ khí và hạt phóng xạ. Thay vào đó, chúng được đặt trong tòa nhà bao quanh lò phản ứng số 4 vốn đã hư hại nặng. Ngày 15/3 và sáng 16/3, lửa đã bùng phát tại khu vực này.

ASN cho biết hiện chưa rõ tình trạng của các thanh nhiên liệu trong bể chứa và "hơi nước trong bể vẫn tiếp tục bay hơi". Nếu bể cạn, các thanh nhiên liệu này sẽ trở nên quá nóng và lớp vỏ kim loại bao quanh có thể bị nứt.

Hiện các công tác cứu hộ vẫn đang được khẩn trương tiến hành tại Nhật Bản. Indonesia là nước mới nhất viện trợ cho các nạn nhân thiên tai, với số tiền 2 triệu USD. Nước này cũng dự kiến cử 15 nhân viên cứu hộ tới hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm người mất tích sau động đất-sóng thần.

Theo thống kê chính thức mới nhất, số người thiệt mạng do trận động đất gây sóng thần hôm 11/3 vừa qua ở Nhật Bản đã lên tới 3.771 người, trong khi vẫn còn 8.181 người mất tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục