Những ngày qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam (trụ sở chủ yếu tại Hà Tĩnh) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, phản ánh hàng trăm xe chở gỗ của họ bị ùn ứ, ách tắc tại khu vực cửa khẩu này ở phía bạn Lào trong suốt nhiều ngày.
Nguyên nhân theo các doanh nghiệp cho rằng do Công văn 19128/BTC-TCHQ của Bộ Tài Chính yêu cầu các ngành chức năng hữu quan kiểm tra thực tế 100% đối với các lô hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu sau đó tái xuất trong hạn 365 ngày...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế được biết, thời gian từ tháng 8/2014 đến ngày 14/1, tại Cửa khẩu quốc tế La Lay đã không hề xảy ra tình trạng xe chở gỗ từ Lào về Việt Nam bị ùn ứ, ách tắc.
Một số doanh nghiệp kêu ca xe chở gỗ của họ bị ùn ứ trong 13 ngày đầu năm 2015 là không đúng sự thật. Bởi thực tế trong 13 ngày này, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế La Lay đã giải quyết làm thủ tục thông quan cho 12 tờ khai hàng hóa với 63 xe vận chuyển gỗ của các doanh nghiệp.
Riêng lô hàng 34 xe gỗ tròn của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nga (trụ sở tại Hà Tĩnh), làm thủ tục theo bốn tờ khai, đã được giải quyết thông quan chỉ trong ba ngày.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế La Lay khẳng định: “Việc thực hiện theo Công văn 19128/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính có kéo dài thời gian hơn so với trước đây cho việc thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện theo công văn này không phải là nguyên nhân gây ùn ứ, ách tắc hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay. Thực tế trong năm 2014, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu này có xảy ra tình trạng bị ùn ứ, ách tắc nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, mang tính cục bộ mà không phải thường xuyên. Cửa khẩu quốc tế La Lay hiện mới được nâng cấp, cơ sở hạ tầng còn chật hẹp, chưa có bến bãi, việc hạ tải và kiểm tra thực tế hàng hóa đều phải thực hiện ngay trên đường giao thông. Do đó không tránh khỏi việc xe cộ, hàng hóa bị ách tắc cục bộ.”
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay, điểm nổi lên là mặt hàng gỗ có khối lượng lớn, cồng kềnh, kích thước không đồng đều và tất cả các xe chở gỗ từ Lào tập kết về khu vực này đều phải sang hạ tải, do chở quá khổ quá tải gấp hàng chục lần so với quy định cho phép.
Ngoài ra, do hầu hết trụ sở và chi nhánh của các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ đều nằm xa cửa khẩu, người của các doanh nghiệp đến đây làm các thủ tục hành chính liên quan, vì thế thường rất muộn, buổi sáng từ 8-9 giờ, buổi chiều 14-15 giờ.
Mặt khác, mặc dù hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã triển khai hơn bảy tháng nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa quen thực hiện hệ thống này, do đó cơ quan Hải quan vẫn phải mất nhiều thời gian hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tới, Cục trưởng Hải quan Quảng Trị, cho biết do những vướng mắc, khó khăn khách quan trên, nên đơn vị đã kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính để xin ý kiến chỉ đạo. Theo đó, ngày 14/1 vừa qua Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn và điều chỉnh một số nội dung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng, đặc biệt, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Lào vào Việt Nam./.