Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có đề nghị Tổng cục Hải quan và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo đơn vị ở các tỉnh có cửa khẩu với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào thực hiện việc kiểm tra, không cho phương tiện thương mại của Lào quá niên hạn sử dụng nhập cảnh vào Việt Nam.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo phản ánh của các địa phương có cửa khẩu với nước Lào, hiện nay có một số phương tiện thương mại của Lào quá niên hạn sử dụng nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động kinh doanh vận tải.
Tại khoản 1 Điều 4 Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào quy định: phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó; tại khoản 6 Điều 7 Nghị định thư thực hiện Hiệp định quy định: phương tiện thương mại phải có niên hạn sử dụng phù hợp với quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.
Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định tại Khoản 3 Điều 15 chương III: xe ôtô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên phải có niên hạn sử dụng đối với cự ly trên 300km không quá 15 năm với ôtô sản xuất để chở người; từ ngày 01/01/2016 không được sử dụng xe ôtô chuyển đổi công năng; cự ly từ 300km trở xuống không quá 20 năm đối với xe ôtô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ôtô chuyển đổi công năng trước ngày 01/01/2002 từ các loại xe khác thành xe ôtô chờ khách.
Xe ôtô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ôtô chuyển đổi công năng không được vận tải khách du lịch. Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử đụng theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều 15 Nghị định này.
Để thực hiện đúng quy định tại Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định, đảm bảo an toàn giao thông và công bằng trong hoạt động vận tải liên vận giữa hai nước Việt Nam và Lào. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Hải quan và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh có cửa khẩu với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào thực hiện việc kiểm tra, không cho phương tiện thương mại của Lào quá niên hạn sử dụng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định niên hạn đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người; quy định tại Điều 15, Điều 18 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động kinh doanh vận tải liên vận Việt-Lào.
Trước đó, tại cuộc họp bàn về giải pháp xử lý xe hết niên hạn mang biển số Lào hoạt động tại Việt Nam vào đầu tháng Ba vừa qua, theo ông Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị, xe hết “đát” đeo biển số Lào xuất hiện từ giai đoạn kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe và cơi nới thùng hàng. Đặc biệt, một số phương tiện hết niên hạn gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, khó khăn trong công tác quản lý, thu lệ phí giao thông…
“Xe biển số Lào có tải trọng thiết kế lớn hơn so với Việt Nam bởi tải trọng cho phép chuyên chở nước bạn không phải ghi trên đăng ký và để trống. Xe hết ‘đát’ nhưng đăng ký đăng kiểm của Lào thực hiện đều có thời hạn kiểm định ít nhất là một năm trong khi ở nước ta với xe hết niên hạn thì đăng kiểm 3 tháng/lần. Không riêng gì tại Quảng Trị mà các tỉnh có đường biên giới giáp với Lào đều xảy ra hiện tượng này,” ông Hùng đánh giá.
Được biết, Tổng cục Đường bộ phối hợp với C67 để có chương trình kiểm tra xe quá "đát" biển số Lào tại 11 địa phương có cửa khẩu giáp nước bạn đồng thời sẽ làm việc với các Bộ, ban ngành phía Lào ở Quảng Trị và ký biên bản quy định về cấp biển số xe và thông quan qua cửa khẩu về vấn đề này./.