Khống chế dịch COVID-19, từng bước trở về trạng thái "bình thường mới"

Để có thể sớm đưa toàn vùng trở về trạng thái bình thường mới, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đòi hỏi phải tiếp tục được triển khai đồng bộ, khẩn trương, phù hợp thực tế từng địa phương.
Lập chốt cứng trên đường Rạch Bùng Binh, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực phía Nam đang đạt được những kết quả khả quan.

Một số địa phương đã từng bước khống chế được dịch bệnh, dần phục hồi trạng thái bình thường mới.

Để có thể sớm đưa toàn vùng trở về trạng thái bình thường mới, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đòi hỏi phải tiếp tục được triển khai đồng bộ, khẩn trương, phù hợp thực tế từng địa phương, đảm bảo thích ứng an toàn phòng, chống dịch.

Kiểm soát dịch, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến hết ngày 30/9/2021.

Tại các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh như quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao được thực hiện thí điểm các hoạt động như cho phép người dân đi chợ 1 lần/1 tuần theo kế hoạch được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận; bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân các địa phương, tuân thủ Bộ Tiêu chí an toàn do Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành.

Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo kế hoạch đã đề ra của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Bộ Tiêu chí an toàn do Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày, gồm dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ cung cấp thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ,” chỉ bán mang đi thông qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm…

Tỉnh Bình Dương (địa phương liền kề Thành phố Hồ Chí Minh) đang nỗ lực mở rộng các “vùng xanh,” tiếp tục thu hẹp các “vùng đỏ,” đưa toàn tỉnh sớm trở về trạng thái bình thường mới.

Tính đến ngày 19/9, Bình Dương đã có 6/9 huyện, thị xã, thành phố trở thành "vùng xanh" gồm thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng.

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh “vùng đỏ,” "vùng vàng” hay “điểm đỏ,” "điểm vàng,” thực hiện “xanh hóa” địa bàn, xây dựng và bảo vệ bền vững các “vùng xanh;” triển khai tổ chức thực hiện khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội.

[Đổi mới tác phong làm việc, nắm rõ tình hình cơ sở để chống dịch]

Cùng với thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, Bình Dương đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, tỉnh xác định lộ trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ ngày 15/9-31/10/2021, ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn các "vùng xanh" gồm các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và thành phố Thủ Dầu Một; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt "vùng đỏ,” "điểm đỏ"; mở rộng "vùng xanh; xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Giai đoạn 2, từ sau ngày 31/10, nếu lượng vaccine được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân trong tỉnh.

Cổng vào Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương sau khi địa phương là "vùng xanh" trở về bình thường mới. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Sau 15 ngày để vaccine phát huy tác dụng, tức là đến ngày 31/10, tỉnh Bình Dương sẽ cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng.

Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát thành công và không còn "vùng đỏ,” "vùng vàng,” tỉnh sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế-xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như karaoke, vũ trường, quán bar, massage...

Trường hợp dịch diễn biến xấu hơn, tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, tỉnh sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Giai đoạn 3, từ sau ngày 31/12/2021: Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ,” "vùng vàng,” Bình Dương sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội.

Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động phù hợp. Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn, tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, tỉnh sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua, Sóc Trăng đã trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực trở về trạng thái bình thường mới.

Từ 0 giờ ngày 16/9, tỉnh chính thức triển khai phương án phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới.

Lực lượng y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tỉnh không lơ là, chủ quan với kết quả ban đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các biện pháp phòng, chống dịch vẫn dược duy trì, đặc biệt là thực hiện tốt thông điệp “5K.” Các chợ truyền thống trên địa bàn được hoạt động nhưng phải đảm bảo phân luồng lối vào-lối ra; người dân được đi chợ 2 ngày/lần theo phiếu do Ủy ban Nhân dân cấp xã cấp.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven các tuyến đường thuộc “luồng xanh” quốc gia chỉ được bán mang đi.

Tỉnh tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để kiểm soát chặt người và phương tiện ra-vào các địa phương. Tỉnh vẫn yêu cầu tạm dừng các hoạt động như văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, các sự kiện chưa cần thiết…

Tỉnh Sóc Trăng cũng quy định áp dụng cụ thể cho từng vùng, như đối với “vùng xanh,” các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, cơ sở lưu trú, các nhà máy xí nghiệp, công ty, cơ sở giáo dục được hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; việc lưu thông của người dân giữa các "vùng xanh" phải đảm bảo có giấy đi đường do Ủy ban Nhân dân cấp xã cấp và phải thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế khi qua chốt kiểm dịch...

Người dân đồng thuận, đồng lòng thực hiện phòng, chống dịch

Chia sẻ niềm vui khi thành phố Sóc Trăng được trở về trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Hoàng Thái, ở phường 2, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: "Gia đình tôi kinh doanh quán cơm từ nhiều năm nay. Khi dịch COVID-19 kéo dài, việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Nay, việc kiểm soát dịch bệnh đạt nhiều kết quả khả quan, địa phương trở lại trạng thái bình thường mới. Dù vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch chứ không thể lơi lỏng, song gia đình tôi rất phấn khởi và vẫn luôn nhắc nhở nhau thực hiện tốt các quy định của địa phương khi mở cửa quán cơm để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Như vậy, công việc kinh doanh của gia đình mới được ổn định.”

Bà Trương Ngọc Khánh, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Taekwang Cần Thơ cho biết, công ty đồng thuận và luôn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do cơ quan chức năng để ra.

[TP.HCM: Đề xuất thí điểm "Thẻ xanh" trong giai đoạn phục hồi kinh tế]

Thời gian qua, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Công ty duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ.” Một số lao động của Công ty đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Công ty mong muốn được tổ chức sản xuất theo phương án “một cung đường xanh.” Khi đó, sản xuất sẽ ổn định hơn, tâm lý người lao động thoải mái hơn, năng suất lao động cao hơn.

Công ty sẽ gửi danh sách về các địa phương người lao động cư trú và mong muốn có sự phối hợp cùng giám sát phòng dịch.

Trong quá trình thực hiện, Công ty cam kết sẽ thực hiện nghiêm, đúng theo lộ trình, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hà, ở phường Phú Mỹ, quận 7 - nơi cơ bản kiểm soát được dịch, chia sẻ, mặc dù công tác kiểm soát dịch tại thành phố còn nhiều khó khăn, song bà đồng thuận và yên tâm với lộ trình mà thành phố đề ra là kiểm soát dịch, an toàn đến đâu mở cửa trở lại đến đó và không thể lơ là trong phòng, chống dịch.

Sau thời gian dài thực hiện triệt để giãn cách, với phiếu đi mua hàng hóa được chính quyền địa phương cấp từ ngày 16/9, bà đã có thể đến siêu thị gần nhà để trực tiếp mua thực phẩm trở lại.

Bà chỉ mong thời gian tới, các địa bàn khác ở thành phố cũng kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng sớm được trở lại trạng thái bình thường mới, để cuộc sống lại sôi động, người lớn đi làm, trẻ em được đến trường học tập, song song với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục