Khống chế chi phí lãi vay: Tăng thu ngân sách nhưng dài hạn sẽ ra sao?

Việc khống chế chi phí lãi vay theo lãnh đạo ngành thuế sẽ giúp lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Thế nhưng, phía doanh nghiệp lại nêu lo lắng khác.
Khống chế chi phí lãi vay: Tăng thu ngân sách nhưng dài hạn sẽ ra sao? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc khống chế chi phí lãi vay theo lãnh đạo ngành thuế giúp lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Thế nhưng, phía doanh nghiệp thì nêu quan điểm, việc này có thể giúp tăng thu ngân sách về trước mắt nhưng dài hạn, nguồn thu chưa chắc đã bền vững.

Có đủ thuyết phục?

Loạt văn bản của các doanh nghiệp lớn gửi về Bộ Tài chính những tháng cuối năm 2018 đều đề cập tới một nỗi lo, đó là việc áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Theo nghị định có hiệu lực từ tháng 5/2017, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh cộng với lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ. Quy định trên đồng nghĩa, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

[Doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng đòi... chính sách riêng]

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nếu áp dụng quy định này, EVN và các đơn vị thành viên sẽ phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hàng trăm tỷ đồng. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng bày tỏ nỗi lo này.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Nghị định 20 có ưu điểm là giúp quy định Việt Nam sát hơn với thông lệ quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc chống xòi mòn cơ sở thuế.

Tuy nhiên, với mức khống chế 20%, ông cảm thấy thiếu thuyết phục vì theo ông, ở tỷ lệ này, kể cả các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính cũng dễ vượt trần.

Đây cũng là lo lắng được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu lên.

Theo ông, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Điều này có thể khiến doanh nghiệp rụt rè trong vấn đề mở rộng hoạt động đầu tư.

"Trước mắt thì có vẻ thu được nhiều thuế nhưng trung, dài hạn thì nguồn thu có thể giảm vì doanh nghiệp không có động lực làm ăn," ông Nguyễn Trần Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng quy định trên không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Ông dẫn quy định hiện tại với nội dung doanh nghiệp có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, theo ông, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

"Nên nới tỷ lệ khống chế lên 30%"

Nói về những ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã lên tiếng cho rằng, các nước đưa ra khuyến nghị về khống chế chi phí lãi vay trên từ 10-30% và Việt Nam đã cân nhắc và chọn mức 20%.

Ông cũng đặt ra nghi vấn: vì sao không một doanh nghiệp FDI nào kinh doanh trên Việt Nam kêu về vấn đề này? Nguyên nhân theo ông bởi doanh nghiệp FDI biết rõ đây là cuộc chơi toàn cầu.

Việc khống chế như hiện tại theo ông Tuấn không chỉ giúp lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp mà còn của nền kinh tế.

Tuy vậy, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật Basico thì cho rằng, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.

Trong khi ấy, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất thiếu vốn, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao.

Vị luật sư này cũng chỉ ra, việc ra giới hạn trên với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Chẳng hạn như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất quá cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập, nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp.

Vì vậy, theo ông, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

Góp ý thêm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu đề xuất nên để mức khống chế là 30% thay vì 20%. Theo ông, nhiều nước như Mỹ, các nước EU hay Hàn Quốc, Ấn Độ đều đều áp dụng mức 30%. Indonesia cũng đang nghiên cứu và dự kiến áp trần ở mức 30%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục