Sáng 30/6, Chính phủ bắt đầu hai ngày họp Phiên thường kỳ tháng 6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu và nửa đầu năm 2016 của đất nước.
Tiếp tục đổi mới chương trình làm việc, đầu phiên họp, Chính phủ đánh giá về tình hình công tác xây dựng thể chế để cho ý kiến về một số dự án luật và kiểm điểm tiến trình xây dựng các văn bản hướng dẫn các đạo luật có hiệu lực từ 1/7.
Tại cuộc họp, Thủ tướng và các Thành viên Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý 2/2016.
Theo báo cáo, phần lớn các văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã có kế hoạch ban hành cụ thể để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đề nghị lùi thời hạn trình đối với một số dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, đặc biệt là thông tư.
Tính đến ngày 28/6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 56 văn bản quy định chi tiết luật, đạt 32,54%. Về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tính đến ngày 28/6, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ 49/50 văn bản, còn một văn bản do Bộ Quốc phòng chủ trì, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Từ nay đến cuối năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành 114 văn bản (25 nghị định, 3 quyết định, 74 thông tư, 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7; xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 81 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật và các nội dung được luật giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực sau ngày 1/7.
Sau khi nghe các thành viên Chính phủ có ý kiến thảo luận về tình hình và các giải pháp để đẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án Luật, Nghị định, thông tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bộ ngành đã tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, nhất là các Nghị định thi hành Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Các bộ đã trình Chính phủ 49/50 Nghị định cần ban hành. Mặc dù phải hoàn thành trong thời gian ngắn, nhưng các bộ đã xây dựng Nghị định đúng quy trình, tổ chức các hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, tiếp thu đóng góp của các đối tượng chịu điều chỉnh, công khai lấy ý kiến trên cổng thông tin để lấy ý kiến góp ý.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông, chuyên gia, người dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện các văn bản.
Đánh giá các bộ ngành đã quán triệt tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đó là không sao chép những thông tư cũ của các bộ đưa vào Nghị định, Thủ tướng nhấn mạnh đây là đổi mới rất quan trọng để giải phóng sức sản xuất, để người dân và doanh nghiệp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, được làm những việc mà luật không cấm.
Rút kinh nghiệm từ việc lùi thời hạn thi hành Bộ Luật hình sự 2015, Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiêm túc, cầu thị trong công tác xây dựng thể chế, không vì chịu áp lực về tiến độ, số lượng mà bỏ qua chất lượng.
Tuy công tác xây dựng thể chế đã đạt kết quả tích cực, nhưng Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, số văn bản quy định chi tiết các Luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới còn lớn, với 114 văn bản chưa được ban hành, trong đó có 25 Nghị định, 3 Quyết định, 74 thông tư.
Trong 28 văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thì đã có 18 văn bản đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét và sẽ ký ban hành đúng thời gian.
Để xây dựng và ban hành các văn bản đúng tiến độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ trưởng, trưởng ngành chủ động giao cho các đơn vị chức năng để có biện pháp triển khai quyết liệt hơn, giảm tình trạng nợ đọng văn bản còn thiếu; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ trưởng và trưởng ngành.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp cần cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các bộ trong xây dựng các văn bản. Cùng với đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chủ trì họp với các bộ để tháo gỡ những nút thắt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định; Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ thẩm tra các văn bản mà các bộ xây dựng.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành một lần nữa là dù đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng các văn bản khi ban hành; không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản hướng dẫn để cải cách thủ tục hành chính, giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phát triển đất nước. Chính vì vậy dù thời gian gấp, một số văn bản còn nợ đọng đến hạn, nhưng quy trình công khai lấy ý kiến trên cổng thông tin, đặc biệt là mời các chuyên gia, các đối tượng trực tiếp thảo luận rất quan trọng để nâng cao chất lượng.
Cũng trong sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về một số dự án Luật, trong đó có Dự án Luật Đường sắt sửa đổi, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao Công nghệ; Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi và một số nội dung khác.
Bắt đầu từ chiều nay đến hết ngày mai, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội./.