Không áp dụng giãn cách 1m hoặc ghế ngồi với thành viên trong gia đình

Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hướng dẫn nhóm hành khách là thành viên sống trong cùng một gia đình cũng sẽ không cần phải giãn cách 1m hoặc cách một ghế như quy định chung.
Hành khách trên chuyến bay của Vietnam Airlines thực hiện ngồi giãn cách ghế theo đúng quy định. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản hoả tốc hướng dẫn bổ sung các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông trong đó đáng chú ý việc sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện cách nhau một ghế hoặc đảm bảo cách nhau 1m.

Tuy nhiên, nhóm hành khách là thành viên sống trong cùng một gia đình cũng sẽ không cần phải giãn cách 1m hoặc cách một ghế như quy định chung.

Việc giãn cách này không áp dụng đối với xe khách giường nằm nhưng phải bảo đảm chở đúng số người cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và không được vượt quá 30 người trên phương tiện, kể cả lái xe, phụ xe.

[Bộ GTVT chưa đồng ý gỡ bỏ giãn cách ghế ngồi trên máy bay]

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải cần sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện cách nhau 1 ghế hoặc đảm bảo cách nhau 1m.

Để đảm bảo các hoạt động giao thông vận tải được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Hàng không, Đường sắt, Hàng hải, Đường thủy nội địa thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), người điều khiển phương tiện và phục vụ hành khách đi trên phương tiện phải luôn đeo khẩu trang đúng cách.

Đặc biệt, hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế bắt buộc, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay; hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi, không khạc nhổ bừa bãi...

Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục