'Không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ'

Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, gần 300 đại biểu từ các Ban, Bộ, ngành trung ương, một số địa phương, các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp Hỗ trợ; đại diện các cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tại hội nghị, các nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu. Cả nước chỉ có trên 3 nghìn doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, trong đó, 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy.

Trong số 1.800 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện thì chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh nghiệp thấp hơn so với nhiều nước và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ chưa cao. Tại Nhật Bản, riêng quận Oita, Tokyo đã có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo. Còn tỉnh Kanagawa có tới 60.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, bằng số doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp. Cụ thể là dù công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp gần 15% GDP. Con số này thấp hơn mức bình quân 20% của ASEAN, 26% của Thái Lan, 22% của Campuchia hay 36% của Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công nghiệp hỗ trợ trong nước đã đạt những kết quả tích cực, trong đó đã đảm bảo 40-45% tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may, da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học. Hay như Samsung hiện nay cũng có trên 30% tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, trong đó Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, cho nên công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Công tác xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên phát triển mới có 23 giấy xác nhận ưu đãi. Cho rằng con số này còn quá thấp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát để có chính sách hợp lý hơn.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một thực tế là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đó, sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Từ những hạn chế đó, Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN.

Nêu bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thủ tướng yêu cầu cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, việc quan trọng là nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Về mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp có khả năng canh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhấn mạnh đến giải pháp trụ cột của công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước, trong đó đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo, định hướng đầu tư và công nghiệp hỗ trợ. Bởi đây là một khởi nghiệp quan trọng, không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp thứ hai là nhân lực công nghiệp nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kỷ nguyên số này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục