Cách đây một năm, thế giới rúng động khi tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với nòng cốt là những người Hồi giáo dòng Sunni, chiếm được một vùng rộng lớn mà IS tuyên bố thuộc vương quốc Hồi giáo (caliphate) trải dài từ tỉnh Aleppo ở phía Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở phía Đông Iraq.
Một năm sau, bất chấp nỗ lực của một liên minh hùng hậu gồm hàng chục quốc gia trên thế giới, tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn trỗi dậy mạnh mẽ, giống như một “khối u” ác tính đã bước vào giai đoạn di căn, đòi hỏi một cách tiếp cận khác để đối phó với thực tế nguy hiểm này.
Di căn
Hơn 4.000 đợt không kích đã được liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu tiến hành nhằm vào IS ở Syria và Iraq, nhưng không ngăn chặn được sự mở rộng của tổ chức này. Như một căn bệnh ung thư di căn, IS bành trướng bất chấp các "liều thuốc trị liệu" bằng hỏa lực.
Không chỉ ở Syria và Iraq, IS đang hiện diện khắp nơi trên thế giới, với mức độ cực đoan ngày càng lớn và trở thành mối đe dọa bao trùm thế giới hiện nay. Từ Trung Đông, Bắc Phi, vùng Vịnh, tới châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á…, IS thừa nhận tiến hành các vụ tấn công đẫm máu, nhằm vào người Hồi giáo dòng Shiite, người Cơ đốc giáo, các mỏ dầu hay các công trình lịch sử của nhân loại.
IS nhận là thủ phạm vụ đánh bom tại Afghanistan hôm 18/4 làm 33 người chết và hơn 100 người bị thương. Nếu được xác minh, đây là vụ tấn công lớn đầu tiên của IS tại Afghanistan, cho thấy “con bạch tuộc” này đã vươn vòi tới Nam Á. IS cũng nhận tiến hành vụ tấn công bằng súng tại tiểu bang Texas, miền Tây Nam nước Mỹ giữa tháng 5 vừa qua làm hơn 20 người thương vong.
Cũng vào giữa tháng 5 vừa qua, thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar lớn nhất Iraq rơi vào tay IS. Giới chuyên gia nhận định đây là một đòn giáng mạnh vào chính sách của Mỹ và các lực lượng an ninh Iraq, đồng thời đánh dấu một giai đoạn mới đầy nguy hiểm của cuộc chiến, có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên các chiến trường ở cả Syria và Iraq
Tiếp đó, IS chiếm toàn bộ thành phố Palmyra ở Syria, thành phố 2.000 năm tuổi là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới cổ đại. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã gióng hồi chuông báo động thành phố này có nguy cơ thêm vào danh sách dài hàng chục di sản thế giới bị IS phá hủy.
Trong khi đó, ngày càng nhiều nhóm khủng bố và cực đoan ở khắp nơi thề trung thành với IS, đồng thời tổ chức này cũng tỏ ra cởi mở đối với các nhóm khủng bố khác - Boko Haram ở Nigeria, al-Shabaab ở Somalia, các nhóm cực đoan tại Mali, Yemen, Libya... - được mời chào tham gia "caliphate" do IS dựng lên.
Có thể thấy chính các cuộc xung đột, những “dư chấn” của làn sóng Mùa xuân Arab đã tạo ra một “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng sự tồn tại của IS, và tổ chức cực đoan tàn bạo này đang đe dọa vẽ lại bản đồ khu vực Arab bằng cách lấp đầy các khoảng trống chính trị tại các quốc gia trong khu vực.
Talaat Musalam, một chuyên gia về an ninh và chiến lược, nhận định "IS là sản phẩm của bất ổn khu vực và các nỗ lực kích động bạo lực để khôi phục giấc mơ về một caliphate".
Liệu pháp
IS đang thách thức các cơ quan an ninh trên khắp thế giới do cách thức truyền bá của tổ chức cực đoan này rất khó bị kiểm soát. IS hiện diện không chỉ trên mặt đất, nơi có thể bị đánh bom, mà còn trong không gian ảo vốn có sức lan tỏa mạnh. Sử dụng mạng Internet làm công cụ, IS tuyên truyền, tuyển mộ và mở rộng ảnh hưởng, những phần tử cực đoan hướng tới "caliphate" như một “thiên đường trần gian” và tham gia thánh chiến để tử vì đạo.
IS sở hữu các kỹ năng đào tạo một thế hệ thánh chiến mới. Tại hơn 80 quốc gia, IS tuyển mộ các phần tử vốn đang "thất vọng" về mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đặc biệt nhằm vào những thiếu niên dưới 18 tuổi. Một con số đáng báo động: trong những tháng đầu năm 2015, đã có 500 thiếu niên theo IS.
IS cũng khá thành thạo các chiến thuật chiến tranh, trong đó đặc biệt nguy hiểm là Sandfish (được đặt tên theo một loài bò sát hoang mạc tàng hình có khả năng tấn công và rúc sâu trong cát). Chiến thuật này được hỗ trợ bởi các nguồn lực ngày càng tăng của IS, trong đó có các mỏ dầu chúng đánh chiếm.
Trong khi đó, sự thất thủ của liên minh chống IS tại Palmyra và Ramadi gây hoài nghi về chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống IS trên quy mô toàn cầu. Cơ sở liên minh do Mỹ lãnh đạo không vững chắc. Không có quân trên thực địa, liên minh này phụ thuộc vào quân đội Iraq - lực lượng mà giới lãnh đạo quân sự Mỹ nhận định là "yếu kém, mất tinh thần chiến đấu và chia rẽ sâu sắc," thể hiện qua sự thất thủ ở Ramadi, với việc các lực lượng an ninh Iraq khi rút khỏi thành phố này đã bỏ lại một số lượng lớn trang thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp, giống như những gì đã xảy ra tại Mosul tháng 6/2014.
Tại hội nghị cấp cao Đông Á vừa qua, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền khẳng định để chống IS, chỉ dựa vào hành động quân sự là chưa đủ mà cần triển khai một cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng nhằm triệt tận gốc ý thức hệ của tổ chức này.
Rõ ràng việc này là cần thiết và cấp bách, đặc biệt khi IS đang lợi dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng cực đoan thánh chiến, đồng thời sử dụng tin tặc để thực hiện các cuộc tấn công mạng thường xuyên hơn. Mới đây, các đối tượng thuộc IS đã tấn công một đài truyền hình lớn ở Pháp. Sau đó, một trang mạng bằng tiếng Pháp nổi tiếng ở Bỉ cũng bị tin tặc từ Trung Đông tấn công.
Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện một chế độ tàn bạo. Giống như căn bệnh ung thư chưa có cách chữa trị triệt để, hỏa lực và những trận không kích chỉ như những liều hóa trị, có thể tạm thời ngăn đà phát triển của các tế bào ung thư, nhưng không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn.
Thế giới cần một cách tiếp cận khác tinh vi hơn, một cách tiếp cận toàn cầu và kỷ luật có thể giải quyết những thách thức chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Ngoài việc triển khai một cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng, các quốc gia cũng cần xem xét các quy định pháp luật hiện hành để giám sát tốt hơn những kẻ cực đoan trong nước. Chỉ có triển khai đồng bộ các biện pháp quân sự, tư tưởng và luật pháp mới hy vọng một ngày nào đó sẽ bóc sạch “khối u chủ nghĩa khủng bố”./.