Khơi thông "dòng chảy" huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển

Nhằm chủ động chuẩn bị nguồn lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Bộ Tài chính đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn tài chính trong và ngoài nước, trong đó có các quỹ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển. (Ảnh: Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính, cả trong và ngoài nước.

"Cởi trói" các nguồn lực

Ngày 28/3, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” nhằm chủ động chuẩn bị nguồn lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Hội nghị đã thu hút đông đảo các đại diện bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI, các định chế tài chính, thành viên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại đây, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thúc đẩy huy động vốn qua hệ thống quỹ đầu tư và khu vực đầu tư nước ngoài, góp phần truyền tải thông điệp về sự đồng hành của Đảng, Chính phủ với các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế là điểm đến tin cậy của dòng vốn đầu tư. Thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, theo đó sẽ đòi hỏi phải huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến khoảng 174 tỷ USD, trong đó đầu tư tư nhân chiếm 96 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 80 tỷ USD của năm 2024.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới nhằm sớm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bộ trưởng cũng cho biết để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, Bộ Tài chính đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Quỹ đầu tư dẫn dắt trên thị trường vốn

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự tham gia của hệ thống các quỹ đầu tư ngày càng quan trọng, bởi đây là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính và đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường. Tính đến nay, hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán đã được thiết lập với 43 công ty quản lý quỹ và 123 quỹ đầu tư. Tuy nhiên, sự tham gia của các tổ chức này vào thị trường vốn chưa tương xứng với tiềm năng, khi tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối năm 2024 chỉ tương đương 1,2% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán.

Hiện nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường.

Các tổ chức đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn mà còn góp phần nâng cao chuẩn mực quản trị và minh bạch tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam. Sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản cũng góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.

toancanh1-sang.jpg
Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường. (Ảnh: Vietnam+)

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho rằng thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phải phát huy hơn nữa vai trò kênh dẫn vốn chủ lực trung và dài hạn. Trong đó, việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn.

Sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng (như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng…) sẽ không chỉ tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Về giải pháp, bà Vũ Thị Chân Phương chia sẻ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Đề án Đào tạo nhà đầu tư nhằm phát huy mọi nguồn lực từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường, giúp thay đổi thói quen tự đầu tư sang đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp, từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn, ổn định.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư cũng đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện. Hiện nay, pháp luật chứng khoán đã quy định các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, gồm quỹ ETF, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán

Tuy nhiên, để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…

Ngoài ra, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu thay đổi Quy chế chỉ số hiện hành nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phát triển các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ủy ban cũng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung hàng cho các quỹ, nâng hạn mức đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán, tăng cường tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế, ông Simon Williams, Giám đốc phụ trách Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ, Quỹ Đầu tư Toàn cầu BlackRock cho rằng việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài không phải là việc dễ dàng bởi họ có nhiều sự lựa chọn ở các quốc gia khác nhau. Do đó, Việt Nam cần lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là có định hướng vào những nhà đầu tư trọng điểm, kết nối thông tin với họ.

Ông Simon Williams kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có chiến lược rõ ràng để tham vấn các nhà đầu tư chiến lược, có những đối thoại chính sách thường xuyên với nhiều bên tham gia trong hệ sinh thái.

Huy động vốn cho phát triển nhanh, phát triển bền vững thông qua thị trường vốn là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư

Bên lề Hội nghị, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập, Tập đoàn VinaCapital, cho rằng để nâng cao tính bền vững của thị trường tài chính, cần có sự thay đổi nhận thức và hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khuyến khích họ tham gia vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

Theo ông, việc đầu tư vào quỹ giúp giảm thiểu rủi ro, tận dụng được chuyên môn của các nhà quản lý quỹ, đồng thời mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn so với việc giao dịch ngắn hạn theo cảm tính. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường giáo dục và truyền thông về lợi ích của đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của quỹ đầu tư./.

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Anh công bố Ngân sách mùa Xuân nhiều tham vọng

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves ngày 26/3 công bố gói ngân sách trị giá 14 tỷ bảng để khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng yếu và chi phí vay cao gây nên lỗ hổng tài chính công.