Khơi thông “điểm nghẽn” dịch vụ logistics tạo đà cho hoạt động xuất khẩu

Việt Nam có rất nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với hệ thống giao thông hiện nay đã được trải dài và rộng khắp các vùng miền trong cả nước.

Vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Là ngành dịch vụ thiết yếu đóng góp vào quá trình lưu thông hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy vậy, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, việc kết nối các ngành dịch vụ vẫn còn nhiều bất cập… điều này đòi hỏi những giải pháp đồng bộ nhằm khơi thông các điểm nghẽn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Chi phí logistics còn cao

Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Với tốc độ phát triển hàng năm ở mức 2 con số, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng Phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước, còn 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 648 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.

“Có được kết quả nêu trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng đa chiều, gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp của hoạt động logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, logistics là mạch máu của nền kinh tế quốc dân và chủ thể của nó là hàng hóa là một nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu,” bà Nguyễn Thị Mai Linh nói.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban logistics cho Thương mại điện tử (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam) nhìn nhận, các doanh nghiệp logistics đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc gắn kết, kết nối, chia sẻ và là một điều mới mẻ trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Minh chứng cho việc này đó là ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu này và cũng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được năng lực trong việc cung cấp dịch vụ logistics tại thị trường nội địa.

“Đây là một trong những kết quả của sự nỗ lực từ cấp độ Chính phủ trong việc tạo ra hành lang pháp lý cũng như tạo ra các điều kiện cho các doanh nghiệp; sự nỗ lực, quyết tâm của chính các doanh nghiệp trong nước khi đầu tư và tham gia vào lĩnh vực này,” ông Nguyễn Xuân Hùng nói.

vnp-tanthanh4-914.jpg
Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy vậy, đại diện VLA cũng chỉ ra một số thách thức, trong đó cơ sở hạ tầng mặc dù đã có cải thiện, song hạ tầng để giúp cho các doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ logistics, triển khai lưu thông hàng hóa vẫn còn thách thức rất lớn.

“Chúng ta có nhiều tỉnh thành phố và kết nối qua nhiều phương thức vận tải. Tuy nhiên, tính kết nối giữa các phương thức này đang thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra chi phí logistics cao. Về dịch vụ, việc vận chuyển 1 container hàng lên biên giới mất tới 7 ngày. Công đoạn trong nước doanh nghiệp đã tối ưu được, tuy nhiên, vấn đề là công đoạn dịch vụ ở hai đầu biên giới,” ông Hùng nhấn mạnh.

Làm rõ hơn, từ góc độ địa phương, ông Phạm Tuấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng chia sẻ, hoạt động dịch vụ logictisc của Hải Phòng trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, xây dựng Hải Phòng thành Trung tâm dịch vụ logistcis của khu vực và quốc tế vẫn có một số khó khăn.

Cụ thể, hệ thống các đường, các nút giao thông khu vực cảng còn chật hẹp dẫn đến ùn tắc giao thông. Hệ thống đường thủy chưa phát huy được hết vai trò hỗ trợ cho hệ thống đường bộ. Hệ thống đường sắt vẫn còn lạc hậu, chưa kết nối được với các cảng khu vực Đình Vũ cũng như khu vực cảng nước sâu tại Lạch Huyện.

Hơn nữa, hệ thống kho bãi, trung tâm logistics tại Hải Phòng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có khu dịch vụ logistics quy mô lớn để hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển.

“Trên địa bàn thành phố Hải Phòng có trên 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty logistics của các tập đoàn đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX… chiếm 70-80% thị phần logictics tại Hải Phòng, các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò là nhà vận tải phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa, cho thuê kho bãi. Đây là những khâu tạo ra ít giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Hơn nữa, vẫn còn thiếu nhân lực logistics chất lượng cao để phục vụ cho ngành logistics thành phố Hải Phòng,” ông Phạm Tuấn Hải cho hay.

Khơi thông điểm nghẽn

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với hệ thống giao thông hiện nay đã được trải dài và rộng khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó, bao gồm cả 5 hệ thống giao thông (đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường biển).

Cùng với đó, các hạ tầng logitics bao gồm kho bãi, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng về quy mô mà còn rộng khắp ở mọi miền. Các dịch vụ đi kèm của các doanh nghiệp logistics hiện nay đã, đang thích nghi rất kịp thời và đáp ứng toàn bộ được nhu cầu ngày càng cao của thị trường

Bên cạnh đó, đối với góc độ Chính phủ, trong giai đoạn 2022-2024 đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được đầu tư vào các dự án quan trọng, dự án trọng điểm và đặc biệt, một phần không nhỏ trong số đó đã được đưa vào hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là những hệ thống huyết mạch của nền kinh tế cũng như huyết mạch của ngành dịch vụ logistics.

Ông Nguyễn Xuân Hùng cho rằng hoạt động logistics là cảm nhận rõ nét nhất hoạt động của nền kinh tế. Khu vực nào đang phát triển, khu vực nào đang có nhiều nhà máy sản xuất, khu vực nào đang có nhiều sự lưu thông hàng hóa thì ngay lập tức các doanh nghiệp logicst sẽ xuất hiện và xây dựng các giải pháp để thích ứng.

vnp-xk1-4403.jpg
Thông quan hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để tạo "đòn bẩy" cho lĩnh vực này, ông Phạm Tuấn Hải thông tin thành phố Hải Phòng xác định dịch vụ logistics cùng với cảng biển là một trong 3 mũi đột phá mô hình tăng trưởng của thành phố.

Trước mắt, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng thêm 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 30-35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố đạt 20-25%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 300 triệu tấn.

Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả 5 hệ thống giao thông, ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn.

“Sở Công Thương đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm lotistics quốc tế hiện đại gắn với cảng biển quốc tế, kết với các hành lang vành đai kinh tế. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, số hóa hoạt động dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng…,” ông Phạm Tuấn Hải cho hay.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Linh cho biết dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ để xem xét, ký ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý 4/2024. Sau khi Chiến lược được ban hành, Bộ Công Thương sẽ ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện, trong đó, dự kiến sẽ có 60 nhóm giải pháp xoay quanh những vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy về những hạn chế, thách thức. Từ đó, có thể giảm thiểu các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua.

Ngoài việc xây dựng khung Chiến lược, Bộ Công Thương cũng có kế hoạch hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan mà cụ thể ở đây là Luật Thương mại 2005; Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics.

Các khung thể chế này cần được chỉnh sửa kịp thời để đáp ứng với bối cảnh hiện tại, từ đó tạo ra sự thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc triển khai Chiến lược để vừa đáp ứng yêu cầu trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực và thế giới.

“Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực quyết tâm của các doanh nghiệp và các Hiệp hội, hy vọng sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới sẽ là góp phần khơi thông hàng hóa thương mại, xuất nhập khẩu,” bà Linh cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục