Khơi thông “điểm nghẽn,” củng cố niềm tin của doanh nghiệp

Các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Nỗ lực cải cách

Kết quả khảo sát Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính - APCI 2021 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cho thấy, tổng thời gian thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng, Phú Thọ và Quảng Ninh ngắn hơn 20% so với tổng thời gian của các doanh nghiệp thực hiện trực tiếp.

Cụ thể, tại khâu nộp hồ sơ, doanh nghiệp nộp trực tuyến sẽ tiết kiệm được 1,6 giờ so với việc đi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan nhà nước.

Một đánh giá khác được khảo sát, đưa ra trong nhóm thủ tục hành chính thuế, đó là doanh nghiệp hầu như chỉ phải chi trả các chi phí nguồn lực (thời gian làm việc, trung bình 5 giờ) để thực hiện các thủ tục hành chính, chi phí trực tiếp hầu như không có hoặc không đáng kể (trung bình 374 nghìn đồng).

Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế lựa chọn nộp hồ sơ thông qua phương thức trực tuyến rất cao: 100% đối với khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ; 92% đối với khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

[Nâng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp]

Các hoạt động về chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ là nút thắt đối với cải cách thủ tục hành chính thuế đang được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế gỡ bỏ dần thông qua việc áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, và lược bỏ văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể…

Tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến cao giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí trực tiếp, giảm khả năng phát sinh chi phí không chính thức do không tiếp xúc với cán bộ cơ quan nhà nước.

Năm 2021, 100% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục về thuế.

Nhóm thủ tục hành chính thuế vẫn là nhóm có điểm APCI cao nhất trong chín nhóm thủ tục hành chính được khảo sát. Những nỗ lực của ngành thuế trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục giúp nhóm thủ tục hành chính này luôn dẫn dầu trong số các nhóm thủ tục hành chính được khảo sát APCI.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành thuế vẫn duy trì bền bỉ những nỗ lực này và cả những hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp và người dân.

“Những hành động cải cách của ngành thuế trong những năm tới như áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan được doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều,” bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho hay.

Ứng dụng công nghệ thông tin, khơi thông “điểm nghẽn”

Năm 2021 là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 và nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2016, nhưng các nỗ lực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính nói riêng, chuyển đổi số vẫn được quyết liệt thúc đẩy.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, biện pháp, hành động để thúc đẩy các cơ quan nhà nước tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP, trong đó đặt ra yêu cầu “rà soát hệ thống văn bản, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng….”; “đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.”

Nghị quyết cũng đặt ra phương hướng “thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia. Triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và mô hình trung tâm phục vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025.”

Trong bài phát biểu khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xác định ưu tiên hàng đầu là: “Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển.”

Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình, hoạt động về rà soát các quy định pháp luật, điều kiện kinh doanh để cắt giảm các quy định pháp luật gây cản trở cho hoạt động kinh doanh, như đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết 76/NQ-CP yêu cầu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Sự quyết liệt trong điều hành của Thủ tướng Chính phủ còn thể hiện ở việc chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đó, sau khi nhận được kiến nghị của 63 địa phương về khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát các quy định pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu 10 bộ liên quan có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn,” huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, cả nước có 60 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và đang đẩy mạnh triển khai Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tăng cường giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Hiện các bộ, ngành, địa phương đã tích hợp, cung cấp 3.675 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 55% tổng số thủ tục hành chính (trong đó có 1.947 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp).

Một số đơn vị thực hiện tốt công tác này như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế,  Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bình Phước, Ninh Thuận, Lào Cai, Quảng Nam…

Theo Bộ Y tế, đến ngày 13/6, 153 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 73%. 100% thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí đã được cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên môi trường điện tử.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về việc liên thông nhóm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề dược và cấp phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy chế phối hợp thực hiện liên thông thủ tục hành chính, công bố thủ tục liên thông, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, dự kiến hoàn thành trong quý 3 năm 2022.

Bộ Y tế đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan liên quan tái cấu trúc quy trình tích hợp thanh toán viện phí lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời thực hiện quy trình đầu tư để triển khai xây dựng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế. 

Những nỗ lực trên đã tác động tích cực, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các cơ quan, bộ máy hành chính nhà nước và quản lý, điều hành vĩ mô của Chính phủ.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, điểm chi phí tuân thủ so sánh của cả nước ở APCI 2021 có xu hướng tốt hơn so với điểm chi phí tuân thủ ở APCI 2020 (75,9/100 so với 74,1/100) đã thể hiện nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc cải cách quy trình làm việc, thủ tục hành chính và phương pháp giao tiếp với công dân, doanh nghiệp…, để có thể giảm được chi phí tuân thủ.

Nói cách khác, chi phí tuân thủ nói chung đang tiếp tục được cải thiện. Kết quả này ghi nhận công tác cải cách thủ tục hành chính và quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đang được vận hành đúng hướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục