Khối Thịnh vượng chung lập quỹ 1 tỷ USD ủng hộ môi trường

Khối Thịnh vượng chung quyết định lập quỹ hỗ trợ tài chính Xanh trị giá 1 tỷ USD nhằm ủng hộ cho các dự án môi trường của khối, dự định sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm 2016.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh tại Malta ngày 27/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại Hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại Malta ngày 27/11, Khối Thịnh vượng chung quyết định lập quỹ hỗ trợ tài chính Xanh trị giá 1 tỷ USD nhằm ủng hộ cho các dự án môi trường của khối.

Quỹ dự định sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm 2016.

Nguồn đóng góp cho quỹ bao gồm phần góp của các nước thành viên, nguồn thu từ bán trái phiếu "xanh," loại trái phiếu được dành riêng để huy động tiền cho các chương trình khí hậu.

Cũng tại Hội nghị Malta, lãnh đạo các nước thành viên Khối Thịnh vượng chung đã bầu bà Patricia Scotland làm Tổng thư ký của tổ chức 53 thành viên này.

Nữ Tổng thư ký đầu tiên của khối sẽ tiếp nhận chức vụ kéo dài 4 năm từ người tiền nhiệm - nhà ngoại giao Ấn Độ Kamalesh Sharma - từ ngày 1/4/2016.

Trong bài phát biểu sau khi được bầu, bà Scotland nhấn mạnh Khối Thịnh vượng chung còn rất nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành, song bà hy vọng tất cả 53 thành viên của khối sẽ cùng chia sẻ quan điểm và những nỗ lực cần có để đối phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, khoa học và công nghệ, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em.

Khối Thịnh vượng chung là tổ chức liên chính phủ của 53 quốc gia thành viên, đứng đầu là Nữ hoàng Anh.

Theo số liệu của năm 2013, về dân số Khối Thịnh vượng chung chiếm một phần ba dân số thế giớ và, về kinh tế, chiếm 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Ngày 27/11, tại cuộc họp thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung diễn ra tại Malta, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này sẽ đóng góp 2,65 tỷ USD trong vòng 5 năm (từ năm 2016​-2021) cho quỹ chống biến đổi khí hậu Liên hợp quốc nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, số tiền trên sẽ dành để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế ít khí thải carbon và ưu tiên cho các nước nghèo và dễ bị tổn thương.

Tuyên bố của Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh Ottawa đã sẵn sàng để tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm giúp đỡ các nước nghèo và dễ bị tác động thích ứng với những thay đổi.

Theo thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu được ký năm 2009 ở Copenhagen, các quốc gia đã cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm cho đến năm 2020, trong đó chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm của Canada đưa ra cam kết đóng góp 1,2 tỷ USD.

Với cam kết đóng góp tăng gấp đôi, tân Thủ tướng Trudeau hy vọng nỗ lực của Canada sẽ thu hút các quốc gia khác trong Khối Thịnh vượng chung tích cực tham gia giải quyết thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo chí Canada đưa tin tại cuộc họp gồm lãnh đạo của 53 nước thành viên Khối thịnh vượng chung, Tổng thống Pháp Francois Hollande - khách mời đặc biệt phát biểu về biến đổi khí hậu - đã đánh giá cao cam kết mới của Canada.

Chủ tịch Quỹ nhi đồng Liên đồng Liên hợp quốc (UNICEP) chi nhánh Canada David Morley cũng cho biết với đóng góp mới, Canada đã trở thành nước đi đầu trong việc giúp đỡ trẻ em ở các nước đang phát triển chịu tác động của biến đổi khí hậu, góp phần đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất gồm thực phẩm, nước sạch, giáo dục và tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna cùng ngày lên tiếng ủng hộ hướng tiếp cận của Mỹ đối với Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP21) sắp diễn ra tại Pháp, cho rằng các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon đạt được không nên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo bà, các bên tham gia vào một thỏa thuận Paris nên đồng ý cập nhật mục tiêu khí hậu của mình mỗi 5 năm.

Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát của Mỹ nêu rõ sẽ không thông qua bất cứ thỏa thuận nào ràng buộc Washington về việc cắt giảm khí thải.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trả lời tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) trong tháng này cho biết mọi thỏa thuận đạt được tại Paris "tuyệt đối sẽ không phải một hiệp ước."

Phát biểu này đã nhận phản ứng khá gay gắt từ Tổng thống Pháp Hollande./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục