Khối Thịnh vượng chung bàn về biến đổi khí hậu

Hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo 53 nước thành viên, các vị nguyên thủ quốc gia Đan Mạch, Pháp và Tổng Thư ký LHQ.
Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Khối Thịnh vượng chung đã khai mạc ngày 27/11 tại Thủ đô Port Of Spain của Trinidad & Tobago.

Hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo 53 nước thành viên, các vị nguyên thủ quốc gia Đan Mạch, Pháp và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Trong diễn văn khai mạc, Tổng Thư ký Khối Thịnh vượng chung Kamalesh Sharma đã cảnh báo về "thảm họa đang hiện hữu do biến đổi khí hậu gây ra" và cho rằng tổ chức 53 quốc gia này phải tái khẳng định "những trách nhiệm chung của khối đối với mục tiêu bảo tồn hành tinh của chúng ta".

Trong phiên họp, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cam kết chi tiền cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu với lời kêu gọi thiết lập quỹ khí hậu 10 tỷ USD do các nước giàu tài trợ, đồng thời hối thúc việc thông qua quỹ này tại hội nghị khí hậu ở Copenhaghen, Đan Mạch.

Tuy Pháp không phải thành viên của khối này nhưng ông Sarkozy tham dự hội nghị để vận động ủng hộ sáng kiến của ông chống lại tình trạng ấm lên trên toàn cầu, khi chỉ còn vài ngày sẽ diễn ra hội nghị Copenhaghen.

Thủ tướng Brown khẳng định Anh sẽ đóng góp 1,3 tỷ USD trong vòng 3 năm, trong khi Tổng thống Sarkozy cho biết quỹ này sẽ cung cấp 10 tỷ USD/năm từ 2010 đến 2012 và một cơ chế tài trợ "tham vọng" sẽ được thiết lập sau thời điểm đó.

Hồi đầu tháng này, Pháp và Brazil cũng đã đạt được một thỏa thuận chung về việc cắt giảm 50% lượng khí thải carbon dioxide từ nay đến năm 2050, dựa trên mức khí thải của năm 1990.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đánh giá cao đề xuất của Anh và Pháp đồng thời lạc quan bày tỏ tin tưởng rằng thành công của Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về khí hậu ở Copenhaghen từ ngày 7-18/12 tới, đã nằm trong tầm tay.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen cũng bày tỏ mong muốn rằng Hội nghị Copenhaghen sẽ thực tế hơn, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ không chỉ thảo luận mà còn nhất trí được về thỏa thuận thiết lập một quỹ tài chính cụ thể nhằm ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu và đạt được mục tiêu của Nghị định thư Kyoto.

Hội nghị tại Port Of Spain là bước chuẩn bị quan trọng cuối cùng trước thềm Hội nghị Copenhaghen. Bên lề hội nghị này cũng sẽ diễn ra các cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nam Phi và Anh.

Trong các nỗ lực ứng phó với tình trạng ấm dần lên của Trái Đất, các nền kinh tế lớn đã đưa ra các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hai nước được cho là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã cam kết lần lượt giảm 40-45% và 17% lượng khí thải từ nay đến năm 2020 (so với năm 2005). Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố giảm 20% lượng khí thải nội khối đến năm 2020 (so với năm 1990).

Hiện nay, duy nhất có Ấn Độ vẫn "giữ im lặng" về mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hại cho Hành tinh Xanh./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục