Trong không khí tưng bừng mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi về xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, mảnh đất từng là Thủ đô khu giải phóng-Thủ đô kháng chiến năm xưa.
Đường về xã Minh Thanh giờ rộng rãi, hai bên là những đồi chè, đồi keo xanh mướt, thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói, nhà hai tầng khang trang.
Dừng chân ở Đình Thanh La, chúng tôi được nghe kể về những mốc son lịch sử của xã Minh Thanh; trong đó, có cuộc khởi nghĩa Thanh La - là cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đầu tiên trong cả nước (10/3/1945).
Ngày nay, tiếp nối truyền thống của vùng quê cách mạng, Minh Thanh đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, khai thác thế mạnh địa phương để bứt phá, xây dựng một diện mạo mới tươi sáng.
Ông Nguyễn Ngọc Hứa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Thanh, cho biết cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của chính quyền và người dân, đến nay xã đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đường bêtông nông thôn với chiều dài 27km đã đi đến hầu hết các thôn trong xã, giúp người dân đi lại được thuận lợi, giao thương hàng hóa với các địa phương khác, tạo đà phát triển kinh tế.
Năm 2014, xã được Chương trình 135 hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng 500m đường điện 0,4kV tại thôn Ngòi Trườn, hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 23,35 %, đến nay giảm còn 16%.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Minh Thanh được nhiều cơ quan ban ngành Trung ương chọn là nơi đóng trụ sở để đảm bảo an toàn bí mật nên những năm qua, xã được các ngành, các cấp đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở tương đối đầy đủ; trong đó, có nhiều công trình được đầu tư nhiều tỷ đồng.
Tiêu biểu như công trình Trường mầm non Minh Thanh do Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đầu tư với kinh phí 7 tỷ đồng, Trường trung học cơ sở 19/8 được Bộ Công an đầu tư với kinh phí 4 tỷ đồng.
Công trình trạm y tế xã được đầu tư hơn 4 tỷ đồng cũng đang được hoàn thiện để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong xã...
Ngoài ra, người dân xã Minh Thanh còn được các chương trình, dự án hỗ trợ tiền để mua máy nông nghiệp, trâu, bò, lợn sinh sản để phát triển sản xuất.
Ông Bùi Xuân Quy, thôn Tân Thành, xã Minh Thanh chia sẻ: "Những công trình do Nhà nước đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo của quê hương và giúp cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện."
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, người dân xã Minh Thanh với bản tính chịu thương, chịu khó, hăng say lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no.
Trước đây, kinh tế của người dân Minh Thanh chủ yếu là làm nông nghiệp manh mún nên gặp nhiều khó khăn, làm lụng vất vả cũng chỉ đủ ăn. Giờ đây các hộ gia đình trong xã đã tiến hành thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những mô hình kinh tế mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều ở xã Minh Thanh. Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn nái, lợn thịt, lợn bột của gia đình ông Nguyễn Văn Thuật, thôn Niếng; mô hình trồng rừng của gia đình ông Vũ Đức Dương, thôn Cò; mô hình kinh tế vuờn-ao-chuồng của gia đình ông Nghiêm Đình Tuyên, thôn Tân Thành...
Chúng tôi đến gia đình ông Nghiêm Đình Tuyên, thôn Tân Thành, là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã Minh Thanh. Thăm mô hình VAC của gia đình ông, chúng tôi mới cảm nhận được tiềm năng kinh tế dồi dào mà gia đình ông đã dày công gây dựng.
Trong chuồng nhà ông Tuyên lúc nào cũng có gần 100 con lợn lớn nhỏ. Ngoài ra, ông Tuyên trồng 1ha mía, cùng với ao nuôi cá rộng hàng nghìn m2, ông còn mở đại lý bán thức ăn gia súc.
Với mô hình kinh tế này, gia đình ông Tuyên có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, kinh tế ổn định, cuộc sống hạnh phúc, no đủ. Gia đình ông Nghiêm Đình Tuyên đã trở thành tấm gương phát triển kinh tế cho bà con nhân dân trong xã học tập theo.
Một mùa Xuân mới lại về, hứa hẹn một cuộc sống ấm no đối với người dân xã Minh Thanh. Để xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, trong thời gian tới, Minh Thanh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phấn đấu đến hết 2015, sản lượng lương thực đạt trên 2.800 tấn; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học; phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm; hết năm 2015, giảm tỷ hộ nghèo xuống còn hơn 11%.../.