Khởi sắc mô hình kinh tế trang trại ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Anh Phạm Văn Phong ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất khẩu cá rô phi Philippines và sản phẩm từ cây nhàu ra nước ngoài, mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Anh Phạm Văn Phong cho cá rô phi ăn. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Anh Phạm Văn Phong, ngụ ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành công với mô hình trang trại trồng nhàu và nuôi cá rô phi Philipines.

Hiện nay, cá rô phi Philippines và sản phẩm từ cây nhàu đã được anh xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2017, anh Phong từ bỏ công việc trong ngành dầu khí đầy hấp dẫn để quyết định về quê phát triển trồng cây nhàu với ý định anh nung nấu nhiều năm là sẽ xuất khẩu sản phẩm từ loại cây này ra nước ngoài.

Chia sẻ cơ duyên đến với loài cây này, anh Phong cho hay anh vốn yêu nông nghiệp, luôn ấp ủ xây dựng cho mình một trang trại trồng cây. Trong thời gian còn làm việc trong ngành dầu khí, anh đã được nhiều đồng nghiệp đến từ Hàn Quốc giới thiệu và cho dùng thử sản phẩm chiết xuất từ cây nhàu.

Qua tìm hiểu, anh nhận thấy, đây không chỉ là loại cây mang lại kinh tế mà còn rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, loại cây này mọc rất nhiều ở Việt Nam nhưng chưa được nhiều người biết đến và tận dụng nhiều.

Để xây dựng mô hình, anh Phong đã mạnh dạn đầu tư 50ha đất để trồng cây nhàu. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, mọi thứ không dễ như suy nghĩ ban đầu của anh. Sau nhiều lần thất bại, phải gần 1 năm sau, anh mới nhân giống cây nhàu thành công.

Hiểu được "tâm tính" của cây nhàu, chỉ một vài tháng sau, 50ha đất của anh Phong đã được phủ kín cây nhàu, với mật độ khoảng 900 cây/ha. Sau 9 tháng chăm sóc, cây nhàu bắt đầu cho trái, một năm sau cây cho thu trái ổn định.

Hiện nay, toàn bộ diện tích nhàu được anh Phong trồng theo hướng hữu cơ 100%, chất lượng đảm bảo, an toàn, sạch. Do đó, dù sản lượng lớn, sản phẩm của anh thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Với 50ha, trung bình mỗi tháng anh thu khoảng 350 tấn trái tươi, giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 1,7 tỷ đồng/tháng.

Năm 2019, anh Phong đã xây dựng quy mô nhà xưởng trên 2.000m2. Song song với đó, anh bắt đầu kết nối với nhiều doanh nghiệp tại Hàn Quốc để tìm đường đưa sản phẩm xuất ngoại.

Ngoài trái nhàu khô, anh Phong bắt đầu nghiên sản xuất nước cốt nhàu. Tuy nhiên, để làm được cốt nhàu không dễ và mất khá nhiều thời gian. Quả nhàu sau khi được sơ chế, cần phải ủ khoảng 1 năm mới cho ra được thành phẩm là nước cốt nhàu.

Đến nay, trang trại của anh Phong đang nghiên cứu và phát triển 4 loại sản phẩm được tinh chế từ trái nhàu bao gồm nước cốt nhàu; mật ong hoa nhàu nguyên chất; tinh dầu nhàu cao cấp; nhàu sới lạnh.

Từ vài chục lít cốt nhàu mỗi mẻ thời gian đầu, đến nay, sau mỗi lần ủ, anh Phong đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn lít.

Tháng 4 vừa qua, lô hàng nước cốt nhàu đầu tiên của anh đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc với khoảng 60 tấn. Hiện sản phẩm nước cốt nhàu đang được bán với giá 150.000 đồng/lít.

Không chỉ trồng nhàu, hiện nay với hơn 10ha ao nuôi, anh phong thả 11 ao nuôi và 2 ao giống loại cá rô phi Philippines. Mỗi lứa nuôi, anh Phong thả khoảng 20.000 con giống, sau 5 tháng nuôi, cá đạt trong lượng 1,3 kg/con, có thể xuất bán. Nuôi theo hình thức gối đầu, một năm anh Phong có thể nuôi được khoảng 8 lứa, năng suất đạt 300 tấn/năm.

Thu hoạch cá rô phi Philippines tại ao nuôi của gia đình anh Phạm Văn Phong. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Với giá bán bình quân từ 30.000 đồng/kg, anh thu về khoảng 9 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 3 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, nhờ sản lượng tốt, chất lượng đạt tiêu chuẩn, hiện toàn bộ cá của anh Phong đều được xuất bán sang thị trường Mỹ.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công tại địa phương với mức lương từ 5-7 triệu, anh Phong đang có ý định mở rộng nhà xưởng, đồng thời liên kết với nông dân có đất để phát triển thêm diện tích trồng nhàu.

Anh Phong sẽ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và hỗ trợ một phần vốn để các hộ xây dựng mô hình. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được anh Phong thu mua với giá 5.000 đồng/kg quả tươi.

[Chàng thanh niên 9X quyết chí làm giàu trên vùng đồi cằn khô]

Tượng tự, mô hình trang trại nuôi dê thương phẩm của gia đình ông Bùi Hữu Nghĩa, ngụ ấp Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cũng đang là mô hình làm ăn có hiệu quả, làm giàu cho gia đình.

Hiện nay, trang trại của gia đình ông Nghĩa lúc nào cũng có trên 1.000 con dê thương phẩm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trang trại được phân làm 2 khu nuôi, khu nuôi dê đực và khu nuôi dê cái và được phân theo từng chuồng nuôi tương đương với tháng tuổi của dê.

Ông Nghĩa cho biết trước đây, gia đình ông chuyên trồng tiêu nhưng đến năm 2017, vườn tiêu của gia đình ông bị bệnh nên chết gần hết, loay hoay mãi chưa biết chuyển đổi sang trồng cây gì, ông đã chuyển đổi vườn tiêu sang nuôi thử nghiệm dê thương phẩm

Thấy dê dễ nuôi, nhanh được bán để thu hồi vốn, nên gia đình ông đã quyết định mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi với số lượng nhiều.

Lúc đầu ông Nghĩa nuôi khoảng 700 con nhưng có thời điểm chuồng nuôi lên đến khoảng 2.000 con.

Ông Nghĩa chia sẻ giống dê ông nhập từ các tỉnh miền Tây, Bình Phước, Tây Nguyên sau đó về ông phân dê nuôi ra theo cùng tháng tuổi để dễ chăm sóc, dễ theo dõi dịch bệnh. Thức ăn cho dê ngoài nguồn cỏ được trồng, gia đình ông Nghĩa con mua cây bắp đã được xắt nhỏ về ủ cộng với cám thực phẩm cho dê ăn.

Từ khi bắt đầu nuôi dê đến nay, nhờ phòng bệnh tốt, chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát nên tỷ lệ dê từ khi nuôi đến lúc xuất chuồng của trang trại ông Nghĩa rất đạt.

Với mô hình này, sau khi trừ các chi phí như con giống, thức ăn, thuốc…, mỗi năm gia đình ông còn lời khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 306 trang trại; trong đó có, 192 trang trại chăn nuôi, 94 trang trại trồng trọt, 13 trang trại thủy sản và 7 trang trại tổng hợp.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản...

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn. Việc thiếu đất sản xuất đang làm hạn chế việc phát triển kinh tế trang trại. Vì thế, để đạt tiêu chí trang trại, hộ nông dân phải có khoảng từ 2,1-3,1ha.

Tuy nhiên, đa số các địa phương không còn quỹ đất mới để giao cho nông hộ làm trang trại nên phần lớn các hộ nông dân phải dồn điền đổi thửa hoặc phải thuê mướn, mua bán...

Theo ông Vũ Ngọc Đăng, thời gian tới, để phát triển kinh tế trang trại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có những chính sách chuyển đổi kinh tế hộ sang trang trại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quảng bá những sản phẩm trang trại đang có; hỗ trợ các trang trại về vốn, khoa học kỹ thuật...

"Từ thực tế cho thấy để tồn tại và phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại phải làm chủ 4 yếu tố gồm năng suất cao; giá thành sản xuất thấp; thị trường tiêu thụ ổn định; phòng tránh, hạn chế được thiên tai dịch bệnh. Đồng thời, các cơ quan chức năng như ngành nông nghiệp cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất cho nông dân...," ông Vũ Ngọc Đăng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục