Khôi phục, phát triển kinh tế Đà Nẵng: Niềm tin dự án tiềm năng

Để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, không thể thiếu những “siêu dự án” mang ý nghĩa nền tảng, động lực thúc đẩy.
Dự án Làng Vân có quy mô gần 1.000ha tại Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, không thể thiếu những “siêu dự án” mang ý nghĩa nền tảng, động lực thúc đẩy.

Khi được thực hiện, những dự án này sẽ mang lại lợi ích cho cả chính quyền, nhà đầu tư và thay đổi cuộc sống của mỗi người dân thành phố.

Kết nối thương mại liên vùng  

Ngày 25/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Đây là dự án thuộc lĩnh vực cảng biển quốc gia có tính chất kết nối liên vùng và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội cho vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Theo phê duyệt, đây là dự án thuộc nhóm A công trình giao thông cấp đặc biệt, lĩnh vực hàng hải do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản. Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực quận Liên Chiểu-thành phố Đà Nẵng.

Giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà. Qua đó, góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực.

Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 3.426,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án giai đoạn 2021-2025 gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 2.994,59 tỷ đồng và ngân sách địa phương của thành phố Đà Nẵng là 431,71 tỷ đồng.

Về tầm quan trọng của xây dựng Cảng Liên Chiểu, Kiến trúc sư, tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dự án sẽ là một bước tiến để Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng có tiềm lực lớn trong cả nước và khu vực.

Để phát triển có hiệu quả cảng biển này, cần nhìn trong một tương quan kết nối vùng, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trong chuỗi đô thị dọc theo miền Trung. Đây là tiềm năng lớn của Đà Nẵng nhưng cũng đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn.

[Khôi phục, phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng: Mở tầm nhìn mới]

“Tôi hy vọng Trung ương sẽ có chủ trương, định hướng cụ thể để hỗ trợ Đà Nẵng sớm hình thành hệ thống logistic hoàn chỉnh, giúp cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nâng tầm tương xứng với 2 đầu đất nước. Khi được đầu tư thành công, hệ thống logistic, Cảng biển này sẽ không chỉ phục vụ cho thành phố Đà Nẵng mà còn phục vụ cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như các nước trong khu vực,” Kiến trúc sư, tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Sau chuyến thị sát khu vực dự kiến xây dựng Cảng Liên Chiểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ban hành Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021 về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 3.227 tỷ đồng.

Đối với các dự án khởi công mới, dự kiến thành phố có hai dự án được bố trí ngân sách Trung ương với tổng vốn 2.500 tỷ đồng gồm đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu-phần cơ sở hạ tầng dùng chung 2.000 tỷ đồng và dự án đường ven biển Nguyễn Tất Thành 500 tỷ đồng.

Thu hút “đại bàng”

Đồng thời với chủ trương xây dựng Cảng Liên Chiểu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 05/2021/QĐ-TTg ngày 8/2/2021 về việc quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và đồng ý chủ trương để thành phố nghiên cứu, lập Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Làng Vân nhìn từ đèo Hải Vân. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Trong Đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng mới đây đã nêu định hướng về một khu Trung tâm tài chính tập trung-CBD (Central Business District) được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố.

Việc di dời theo quy hoạch của Khu Công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà) hiện nay đã đem đến cơ hội để định vị một Trung tâm tài chính tập trung mới trên khu đất nhiều tiềm năng này.

Đặc biệt, Trung tâm tài chính tập trung mới này sẽ cho phép Đà Nẵng giới thiệu hình mẫu đô thị, các tòa nhà và các loại hình kiến trúc mới nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển Đà Nẵng hiện đại với diện tích 62ha, bao gồm vùng lõi rộng 40ha được liên kết khối đế các tòa nhà để phục vụ giao thông và bãi đậu xe, phía trên là không gian công cộng, ưu tiên cho người đi bộ; cụm các tòa nhà sử dụng hỗn hợp có giới hạn độ cao lên đến 250 m sẽ là điểm nhấn kiến trúc cho toàn thành phố. 

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) về việc tài trợ Đề án xây dựng Trung tâm tài chính tập trung Đà Nẵng.

Theo đó, trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), thay mặt cho tổ hợp liên danh các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ (Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts/ GAM và Steelman Pantners) sẽ lập Đề án chi tiết xây dựng khu trung tâm tài chính, du lịch, mua sắm quy mô, đẳng cấp sánh ngang tầm khu vực và thế giới. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, từ 2016, IPPG đã ấp ủ có 1 trung tâm tài chính tại Việt Nam nhưng đến nay mới có cơ hội để thực hiện.

Trong 5 năm qua, IPPG đã chuẩn bị kỹ càng về tài chính, nhân lực, xây dựng các đối tác chủ lực về tài chính tại các quốc gia trên thế giới. Đây là thời điểm cần phải làm Trung tâm tài chính, nắm bắt thời cơ do nguồn tiền thặng dư trong các công ty quốc tế đang rất lớn.

Bên cạnh tài trợ xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực cho thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn IPPG đang nghiên cứu đề xuất đầu tư nhiều dự án mang tính liên hoàn tại Đà Nẵng với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD.

“Để có ngành du lịch phát triển vượt trội thì phải có Casino đẳng cấp, khu mua sắm phi thuế quan, Opera house... chúng tôi quyết tâm thu hút 40 triệu khách đến Đà Nẵng hàng năm, giữ chân du khách trong 5 ngày để nghỉ dưỡng và chi tiêu tại Đà Nẵng.”-ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho biết

Vui mừng đón nhận những chính sách, quyết định của Trung ương nhưng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thành phố nhận thức rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các quyết sách này trên thực tế.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sớm có sự phân công, phân việc rõ ràng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố.

Đồng thời, chủ động lường trước các khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng ghi nhận sự đồng hành kịp thời của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn đã đăng ký nghiên cứu quy hoạch một số phân khu của thành phố, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. 

Sự định hướng phát triển của Trung ương, sự chung tay đồng hành của các doanh nghiệp, người dân sẽ giúp Đà Nẵng có thêm nhiều ý tưởng quy hoạch và công trình khác biệt, độc đáo, mang tầm quốc gia, quốc tế, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, hài hòa của thành phố, nhất là sau đại dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục