Khối ngoại giảm bán ròng, VN-Index dừng ở mốc 694,21 điểm

Khối ngoại đã giảm mạnh giá trị bán ròng cổ phiếu sau khi bán ròng hàng trăm tỷ đồng liên tiếp mỗi phiên giao dịch trong thời gian gần đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mở cửa phiên giao dịch sáng 26/3, VN-Index ngay lập tức chịu áp lực bán mạnh.

Chỉ số hồi phục nhanh và tăng khá mạnh trong nửa đầu phiên sáng nay, nhưng khi VN-Index lên đến hơn 700 điểm thì lượng bán tăng mạnh khiến chỉ số lùi về mốc 695,3 điểm cuối phiên sáng.

Đến đầu phiên chiều, nhóm cổ phiếu họ Vingroup tăng mạnh là động lực chính kéo chỉ số tăng điểm.

Thực tế phiên giao dịch hôm nay, thị trường nhờ vào sự tăng mạnh mẽ của một số mã cổ phiếu, còn mặt bằng chung vẫn là “xanh vỏ đỏ lòng.”

Điểm tích cực nhất trong phiên giao dịch hôm nay là việc khối ngoại đã giảm mạnh giá trị bán ròng cổ phiếu sau khi bán ròng hàng trăm tỷ đồng liên tiếp mỗi phiên giao dịch trong thời gian gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, VN-Index tăng 3,96 điểm lên 694,21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 221,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 4.051 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 256 mã tăng giá, trong khi chỉ có 108 mã tăng giá và 46 mã đứng giá.

[Nhiều cổ phiếu bật tăng mạnh đầu phiên giao dịch sáng 25/3]

HNX-Index giảm 9,28 điểm xuống 97,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 49,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 391 tỷ đồng. Toàn sàn có 52 mã tăng giá, trong khi có tới 104 mã giảm giá và 48 mã đứng giá.

Hôm nay, nhóm cổ phiếu họ Vingroup đua nhau tăng giá. Theo đó, cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường là VIC tăng tới 6,9% lên mức giá trần 81.800 đồng, trong khi VHM cũng tăng 3,2%, VRE tăng 5,8%.

Cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH cũng tăng 6,9% lên mức giá trần 39.500 đồng/cổ phiếu. Các mã cổ phiếu đầu ngành thực phẩm đồ uống như VNM tăng 2,2%, SAB tăng 4,2%.

Ở chiều giảm giá, một số mã có vốn hóa khá lớn như HPG giảm 4,8%, FPT giảm 3,9%, REE giảm 2,9%, PNJ giảm 2%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với đa số các mã chìm trong sắc đỏ. Nhóm này chỉ còn VCB tăng 1,9% và BID tăng 0,3%, các mã còn lại đều ở chiều giảm giá. Cụ thể, TPB giảm tới 6,4%, STB giảm 4,5%, MBB giảm 4,8%, VPB giảm 3,4%, ACB giảm 3,9%, CTG giảm 3,8%, EIB giảm 3,7%...

Cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm giá trong phiên giao dịch hôm nay. Theo đó, PVB, PVC, PVS, PVD, POW, PLX, GAS... đều có mức giảm sâu.

Điểm tích cực là khối ngoại chỉ còn bán ròng nhẹ. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 44,42 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là MSN (gần 96 tỷ đồng), VHM (gần 37 tỷ đồng), VRE (hơn 25,2 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 3,26 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh là PVS với giá trị hơn 3,2 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng hơn 842 triệu đồng. Các mã được mua ròng mạnh là VTP (hơn 6,7 tỷ đồng), VEA (hơn 5,2 tỷ đồng).

Về thông tin vĩ mô trên thế giới đáng chú ý, tối 25/3 theo giờ Mỹ (tức sáng 26/3 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới chống lại tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo kế hoạch, gói cứu trợ khổng lồ trên sẽ cung cấp các khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho hàng triệu người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trung bình một hộ gia đình 4 người sẽ nhận được tới 3.400 USD.

Ngoài ra, gói cứu trợ cũng cấp khoảng 500 tỷ USD tài trợ và cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp cốt lõi. Trong đó, ngành hàng không sẽ nhận được khoảng 50 tỷ USD.

Gói hỗ trợ cũng “bơm” thêm 100 tỷ USD cần thiết cho các bệnh viện và cơ sở y tế đang rất cần thiết bị y tế, đồng thời mở rộng đáng kể trợ cấp thất nghiệp để giúp những người lao động bị bệnh hoặc bị sa thải chống đỡ qua cuộc khủng hoảng.

Đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ nhờ chương trình kích thích "khổng lồ" 2.000 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đó là một yếu tố tích cực, song hoạt động bán ra chốt lời đã "lấn át" hiệu ứng này.

Tâm lý của các nhà đầu tư cũng kém lạc quan sau khi Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike ngày 25/3 kêu gọi người dân ở nhà trong tuần này, đồng thời cảnh báo khả năng "bùng nổ" dịch COVID-19 sau khi xác nhận có 41 trường hợp nhiễm mới, một con số cao kỷ lục.

Các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường châu Á chuyển đỏ trong phiên ngày 26/3; trong đó, chứng khoán Nhật Bản để mất hơn 4% do hoạt động bán ra chốt lời sau ba phiên tăng điểm trước đó. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan ngại sau khi chính quyền thủ đô Tokyo cảnh báo về khả năng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 "bùng nổ" tại đây.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225, sau khi tăng 18% kể từ ngày 23-25/3, đã giảm 4,51% (882,03 điểm) xuống 18.664,6 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng bán ra chốt lời, theo đó chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,74% (174,85 điểm) xuống đóng phiên ở mức 23.352,34 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải hạ 0,6% xuống 2.764,91 điểm.

Chứng khoán Seoul giảm hơn 1% và chứng khoán Singapore mất hơn 1% sau số liệu cho thấy nền kinh tế nước này hứng chịu quý sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính phủ Singapore ngày 26/3 đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 33 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục