Tuần qua, mã cổ phiếu HQC đã dành vị trí dẫn đầu về giao dịch tại sàn HoSE, với 28 triệu cổ phiếu. Thứ hạng kế tiếp thuộc về mã cổ phiếu GTN, có khối lượng giao dịch đạt gần 17 triệu đơn vị và các vị trí liền sau trong top 5 thuộc về SSI, FLC, HHS.
Phía sàn HNX, cổ phiếu SHB từ vị trí thứ hai của tuần trước vươn lên dẫn đầu trong tuần này, khối lượng chuyển nhượng đạt gần 15 triệu đơn vị. Theo đó, mã cổ KLF đã lui về vị trí thứ hai, khối lượng giao dịch đạt 12 triệu đơn vị đồng thời các mã VND, VIX, SCR giữ các vị trí tiếp theo.
Thị trường chứng khoán đã trải qua một tuần giao dịch ảm đạm. Chỉ số VN-Index gần như chỉ đi ngang khi mà diễn biến giao dịch tại nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn chưa cho thấy xu thế rõ ràng. Tổng kết cả tuần giao dịch, VN-Index giảm 1,41%, xuống 562,31 điểm đồng thời HNX-Index giảm 0,53%, xuống 78,25 điểm.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng nối tiếp đà suy yếu từ cuối tuần trước, cụ thể VCB, BID, CTG giảm lần lượt giảm 2,27%, 3,33% và 3,94%.
Tuần qua, mặc dù các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được nối lại và đạt được những tiến triển nhất định, song điều này chưa cho thấy những tác động tích cực của nó lên các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ TPP, bởi vậy cổ phiếu TCM vẫn giảm 2,67%, VHC giảm 2,17%...
Bên cạnh đó, diễn biến giá dầu thế giới cũng chưa có chuyển biến lớn nên nhóm cổ phiếu dầu khí tạm thời đi vào trạng thái tích lũy, các mã GAS, PVD, PXS chốt tuần với mức giảm lần lượt 2,15%, 2,85% và 2,56%.
Thanh khoản trên sàn HoSE tiếp tục duy trì ở mức thấp. Giao dịch trung bình trong tuần đã giảm 19,3% so với lượng giao dịch bình quân 20 phiên, cho thấy dòng tiền đang chọn giải pháp đứng ngoài. Tương tự, thanh khoản trên sàn HNX cũng khá yếu, lượng giao dịch trung bình chỉ bằng khoảng 80% so với khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên trước đó.
Tổng kết cả tuần giao dịch, khối ngoại bán ròng 266,22 tỷ đồng trên sàn HoSE và bên sàn HNX, họ cũng bán ròng 15,16 tỷ đồng.
Bên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã GTN với khối lượng 6 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã NT2 đạt 2 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã E1VFVN30, DPM, DXG.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu KDC, khối lượng lên tới gần 5 triệu đơn vị, kế đến là mã SSI cũng có khối lượng bán ròng 2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mã SCR được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 247.790 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là PGT, CEO, CMI, CMS.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhiều nhất tại mã cổ phiếu AME, với 535.000 đơn vị, tiếp đến là các mã PVC, PVS, VCG, NTP.
Như vậy, thị trường chứng khoán đã có tuần giao dịch tích lũy đi ngang thứ 5 liên tiếp kể từ cuối tháng Tám trở lại đây. Trên thực tế, trạng thái phân hóa diễn ra không rõ rệt khi lần lượt các nhóm cổ phiếu đều chịu áp lực điều chỉnh. Biến động giá trong các phiên cũng ở mức thấp cùng với thanh khoản èo uột khiến giao dịch trong cả tuần diễn ra buồn tẻ.
Trong tuần này thị trường xuất hiện khá nhiều các thông tin vĩ mô quan trọng trong và ngoài nước, như Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm; GDP Việt Nam tăng cao nhất trong 5 năm qua; Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia dự báo lạm phát 2015 xuống dưới 2% hay lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc giảm thấp nhất 4 năm; Chỉ số PMI (ISM Manufacturing) của Mỹ giảm xuống 50,2 điểm trong tháng này so với mức 51,1 điểm trong tháng trước…
Tuy nhiên, các thông tin này mang tính trái chiều và không tạo ra sự bất ngờ đối với nhà đầu tư, do đó chưa tạo được động lực cải thiện dòng tiền trên thị trường. Thay vào đó, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại cùng diễn biến rút vốn của họ tại các thị trường mới nổi đã tác động không nhỏ tới tâm lý thị trường trong tuần qua.
Thống kê cho thấy, trong tháng Chín khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng và đây là tháng bán ròng mạnh nhất trong năm 2015. Bên cạnh đó, trên thị trường chứng khoán trong khu vực, các quỹ nước ngoài đã bán ròng hơn 5,1 tỷ USD và là mức cao nhất kể từ năm 1999.
Theo đánh giá chung từ giới phân tích, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành tăng lãi suất vào cuối năm nay đang khiến rủi ro việc nguồn vốn nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi càng trở nên hiện hữu.
Nhận định chung từ các chuyên gia trong nước, về ngắn hạn thị trường sẽ chưa thoát ra khỏi trạng thái giao dịch tích lũy đi ngang. Sự phân hóa sẽ không rõ rệt khi áp lực điều chỉnh diễn ra luân phiên và biên dao động giá khá hẹp khiến kỳ vọng lợi nhuận là tương đối thấp.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.