Khói mù độc hại vượt ngưỡng 60 lần, trường học ở Ấn Độ phải dạy trực tuyến

Sáng 18/11, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở thủ đô New Delhi đã lên tới con số kỷ lục 907 microgam/m3, cao hơn nhiều so với mức 15 microgam/m3 trong 24 giờ mà WHO khuyến nghị là không có lợi cho sức khỏe.
Khói mù dày đặc tại Gurugram, Ấn Độ. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Ngày 18/11, các trường học ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã chuyển việc giảng dạy và học tập sang hình thức trực tuyến trong bối cảnh khói mù độc hại đang ngày càng trầm trọng, vượt ngưỡng tối đa mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tới 60 lần.

Biện pháp dạy, học trực tuyến này sẽ được duy trì cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Chính quyền thủ đô New Delhi đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đối phó với ô nhiễm không khí, song chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Khói bụi vẫn được cho là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và người già.

Theo Chỉ số chất lượng không khí (AQI), sáng 18/11, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở thủ đô New Delhi đã lên tới con số kỷ lục 907 microgam/m3, cao hơn nhiều so với mức 15 microgam/m3 trong 24 giờ mà WHO khuyến nghị là không có lợi cho sức khỏe.

Các trạm giám sát riêng lẻ còn ghi nhận mức cao hơn, trong đó một trạm ghi nhận PM2.5 ở mức 980, cao hơn ngưỡng của WHO tới 65 lần.

Trước đó, ngày 15/11, các trường tiểu học đã được yêu cầu ngừng dạy học trực tiếp.

Chính quyền đã ban hành thêm nhiều quy định hơn vào ngày 18/11, trong đó hạn chế xe tải chạy dầu diesel và hoạt động xây dựng.

Chính quyền New Delhi cho rằng việc dừng cho trẻ đến trường trực tiếp, có thể giảm số người tham gia giao thông, qua đó có thể cải thiện được chất lượng không khí.

Thủ đô New Delhi bị bao phủ bởi lớp sương mù độc hại - vốn là hỗn hợp giữa khói và sương mù vào mỗi mùa Đông khi không khí lạnh giữ lại bụi, khí thải và khói từ các vụ đốt rơm rạ.

Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo tình trạng sương mù và tốc độ gió thấp sẽ kéo dài đến ngày 23/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục