Ngày 30/10, các nhà nghiên cứu tham gia tìm kiếm các thế giới có thể tồn tại sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời, cho biết ngoại hành tinh Kepler-78b có khối lượng tương tự Trái Đất.
Theo các nhà nghiên cứu, Kepler-78b không phải là hành tinh "mến khách" đối với sinh vật sống vì nhiệt độ bề mặt của nó vượt quá 2.000 độ C.
Tuy nhiên, kết quả xác định khối lượng và mật độ vật chất của nó được xem là "điềm lành" trong hành trình tìm kiếm các hành tinh khác giống Trái Đất.
Trong 2 nghiên cứu độc lập trước đó đăng trên tạp chí Tự nhiên của Anh, các nhà khoa học cho biết Kepler-78b có khối lượng tuần tự lớn gấp 1,69 và 1,86 lần hành tinh của chúng ta. Mật độ vật chất của nó là 5,3 gram và 5,57 gram/cm3, tương tự mật độ 5,5gram/cm3 của Trái Đất, báo hiệu thành phần gồm đá và sắt.
Phát hiện này đồng nghĩa Kepler-78b, đang quay quanh ngôi sao chủ của nó với tốc độ 8,5 giờ/vòng, là ngoại hành tinh đã được xác định giống Trái Đất nhất về khối lượng, kích cỡ và mật độ vật chất.
Khoảng cách giữa Kepler-78b và sao chủ sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng hơn trong việc xác định tác động từ lực trọng trường của sao chủ đối với ngoại hành tinh này.
Việc nghiên cứu các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời nhằm mục đích tìm kiếm những hành tinh có thể duy trì sự sống như Trái Đất quay quanh các ngôi sao chủ giống Mặt Trời.
Để duy trì sự sống và cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, một hành tinh phải quay quanh sao chủ ở khoảng cách sao cho nó không trở nên quá nóng hoặc quá lạnh.
Hầu hết các ngoại hành tinh được xác định lúc đầu đều là những tinh thể khí khổng lồ quay quanh sao chủ ở khoảng cách gần đến mức phát nóng.
Kính viễn vọng Kepler đã phát hiện vô vàn hành tinh có kích thước như Trái Đất trong dải Ngân Hà, song việc xác định thành phần của một hành tinh thường khó khăn hơn nhiều./.